banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Nghỉ tránh dịch Covid-19, lương tính thế nào?
Cập nhật lúc 02:07 ngày 03/04/2020
Năm 2020, trước đại dịch Covid-19, nhiều người lao động buộc phải nghỉ làm hoặc làm tại nhà để tránh dịch. Vậy tiền lương của họ như thế nào?
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động 2012 áp dụng đến 31/12/2020).
Người lao động sẽ được hưởng nguyên lương, hưởng một phần lương hoặc không hưởng lương phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể:
Người lao động nghỉ phép năm (Điều 111, 112 Bộ luật Lao động 2012)
Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau :
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
- Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Người lao động nghỉ khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình (khoản 2 Điểu 140 Bộ luật Lao động 2012).
Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.
Người lao động làm việc tại nhà: 
Hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc người lao động phải làm cố định thời gian ở công ty, ở nhà hay ở bất kỳ một vị trí, địa điểm nào khác, đây là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó mức lương được hưởng sẽ là mức lương theo hợp đồng lao động, lương theo sản phẩm hay một mức lương khác căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Người lao động nghỉ do ngừng việc (khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động 2012):
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Trường hợp người lao động nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động (khoản 5 Điều 32; khoản 3, Điều 116 Bộ luật Lao động 2012): Trường hợp nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Trường hợp nghỉ do chấm dứt hợp đồng lao động: Kể từ thời gian chấm dứt hợp đồng lao động người lao động sẽ không được hưởng lương mà sẽ được hưởng các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Lưu ý: Mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2020 được Chính Phủ quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Thanh Huyền tổng hợp