banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Chống rác thải nhựa trách nhiệm không của riêng ai
Cập nhật lúc 07:32 ngày 15/10/2019
Việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về giảm thiểu và chống chất thải nhựa thời gian tới cần phải đẩy mạnh. Phải sớm có các chính sách, quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này.
Rác thải nhựa dùng 1 lần đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ảnh minh họa)
Vấn nạn rác thải nhựa
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày nay, ngành nông nghiệp chưa có thống kế hay nghiên cứu nào về rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù trong sản xuất, ngành nông nghiệp vẫn đang thải ra môi trường một lượng rác thải nhựa đáng kể, có những loại có thể thu gom để tái chế hoặc tái sử dụng như bao bì, chai lọ… những có những loại nylon mỏng không thể thu gom và tái chế, tái sử dụng. 
Theo ông Nguyễn Đình Thông (Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguồn rác thải nhựa sử dụng trong nông nghiệp không ít. Cụ thể, trong trồng trọt thì nguồn rác thải nhựa từ nylon để quây ruộng lúa để chống chuột, thiên địch; túi nylon để bọc quả như trồng ổi, xoài…, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để. Loại rác thải này được xếp vào danh sách “rác thải nguy hại” và được thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hàng năm mỗi tỉnh thải ra khoảng từ 50 - 100 tấn rác thải này. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1 - 1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp. Ở những địa phương chưa có lò xử lý, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật được bỏ lại ở góc ruộng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong ngành chăn nuôi, bao bì đựng thức ăn, chai lọ thuốc thú y cũng là những loại rác thải nhựa khó phân hủy, bị nông dân vứt ra môi trường gây nên tình trạng quá tải rác thải độc hại. Kể cả những ngành đang làm lợi cho nền kinh tế, như ngành sữa, thì mỗi năm cũng có khoảng trên 8 tỉ ống hút nhựa được tiêu thụ và thải ra môi trường.
Để tuyên chiến với vấn nạn rác thải nhựa, Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước có nhiệm vụ đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu “đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành. 
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tại Việt Nam cần nắm bắt tốt sự thay đổi trong tư duy của người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường để có phương thức thu mua, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường cũng như đóng gói sản phẩm bằng những vật liệu thân thiện môi trường phù hợp với xu hướng sống xanh đang ngày một gia tăng trong khu vực và trên thế giới.
Bộ Công Thương đang xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2019, trong đó bao gồm Chương trình hành động về phát triển hệ thống phân phối xanh (hệ thống phân phối bền vững) tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.
Tại Chương trình này, các nghiên cứu đánh giá về thực trạng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường tại Việt Nam sẽ được thực hiện, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phân phối sản phẩm thân thiện môi trường, nghiên cứu tìm hiểu để áp dụng thử nghiệm mô hình phân phối xanh tại một số cơ sở bán lẻ, qua đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trong tương lai; kiến nghị đề xuất với Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phố biến nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích nhiều thành phần, nhóm đối tượng trong xã hội tham gia hệ thống phân phối xanh, lan tỏa lối sống xanh cho cộng đồng, vì một môi trường xanh cho bản thân mỗi gia đình Việt Nam nói riêng và toàn xã hội nói chung.
“Bộ Công Thương rất ủng hộ các doanh nghiệp đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, cụ thể, giảm thiểu tác hại của túi nylon, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nylon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng” - bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - nói. 
Cách mạng tái chế rác thải
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ rác thải, các nghiên cứu ứng dụng đang được triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam. Đã có những thành công đáng mừng như rác thải nhựa được tái chế thành vật liệu xây dựng giao thông; rác thải xây dựng được chế biến thành cát, sỏi xây dựng…
Dự án ứng dụng khoa học công nghệ, tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng tại khu công nghiệp. Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, rác thải nhựa sẽ trở thành nguyên vật liệu xây dựng giao thông, đảm bảo chắc chắn và độ bền cho con đường. Được biết, bước đầu, Cty TNHH Dow Chemical Việt Nam đã có những buổi làm việc cùng Trung tâm tư vấn Phát triển Đại học Hàng hải Việt Nam tại phòng thí nghiệm để kiểm định độ bền, từ đó xem xét việc nhân rộng công nghệ làm đường mới này tại Việt Nam. Nếu dự án thành công, dự án này hứa hẹn sẽ mở ra hướng xử lý cho bài toán rác thải nhựa - vấn nạn gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Theo Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn từ góc độ chính sách về quản lý chất thải nhựa thì còn nhiều việc phải làm. Chất thải nhựa hiện đang được quản lý chung như các loại chất thải khác, chưa có quy định riêng về quản lý chất thải nhựa ngoại trừ một số quy định về thuế và ưu đãi thuế liên quan đến túi nylon. Nhìn nhận một cách khách quan thì chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa tương xứng với mức độ tác động và hệ lụy của nó đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, cũng như sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội về vấn đề này.
Khánh Phong (nguồn: laodong.vn)