Công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp
https://media.vuit.org.vn/Images/Upload/User/linhdt/2019/9/images2172954_1__4___1_ngo_duy_hieu.jpg
Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐVN) vừa ban hành kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cấp công đoàn.
Ảnh minh họa
Thực hiện kế hoạch này, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN đặt mục tiêu sẽ góp phần nâng cao một bước vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong giám sát, bảo vệ quyền lợi của người lao động trên lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; thiết thực cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong kế hoạch là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành, đoàn chủ tịch, ban thường vụ công đoàn các cấp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ chỉ tiêu giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ưu tiên bố trí cán bộ được đào tạo chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động hoặc các chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động để làm công tác an toàn, vệ sinh lao động. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các cấp công đoàn với nội dung, phương thức ngày càng đổi mới, hiệu quả; chú trọng cập nhật những điểm mới, những mô hình và kinh nghiệm cụ thể, sát thực.
Cùng với đó là đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế công việc của người lao động; giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn, phổ biến đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Ứng dụng, phát triển rộng rãi công nghệ thông tin và mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ cán bộ công đoàn, người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Xây dựng chuyên mục phổ biến mô hình, kinh nghiệm làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, thông tin về các vụ tai nạn lao động trên cổng thông tin điện tử công đoàn, để phổ biến, chia sẻ và rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động.
Tổ chức Hội thi An toàn, vệ sinh viên giỏi các cấp, tiến tới tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi toàn quốc lần thứ bốn vào năm 2020 và định kỳ 5 năm tổ chức Hội thi cấp toàn quốc.
Tăng cường thông tin giữa Tổng Liên đoàn và các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Khi có vi phạm pháp luật an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng hoặc xảy ra sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phải thông tin ngay và thường xuyên bằng điện thoại, email, tin nhắn hoặc văn bản cho Tổng Liên đoàn về diễn biến, hậu quả, nguyên nhân và tình hình giải quyết, xử lý vi phạm, sự cố, tai nạn lao động của các cơ quan chức năng và vai trò, sự tham gia của công đoàn.
Tại nhóm nhiệm vụ về nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, các cấp công đoàn cần tích cực, chủ động tham gia hoàn thiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là đề xuất tiếp tục hoàn thiện Luật An toàn, Vệ sinh lao động để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, bổ sung những quy định mới để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Nghiên cứu, đề xuất Nhà nước bổ sung danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghiên cứu, đề xuất Nhà nước bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Sửa đổi, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách cụ thể, sát thực, nhất là với công đoàn cơ sở.
Trong quá trình triển khai kế hoạch, việc đánh giá kết quả thực hiện có vai trò rất quan trọng. Muốn vậy thì nhiệm vụ về tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát phải luôn được quan tâm. Cấp công đoàn tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện các vi phạm, các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động, từ đó yêu cầu khắc phục các vi phạm, nguy cơ mất an toàn lao động để ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động; phát hiện ra các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong các chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động để kiến nghị nhà nước sửa đổi hoặc ban hành mới.
Đề xuất khen thưởng các chủ sử dụng lao động, đơn vị, người lao động chấp hành tốt và kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các chủ sử dụng lao động, đơn vị không tuân thủ, vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Ở những nơi xảy ra sự cố, tai nạn lao động, cần phối hợp với cơ quan chức năng, phân công cán bộ kịp thời đến và bám sát hiện trường để nắm bắt diễn biến, hậu quả, nguyên nhân, cấp cứu người bị tai nạn lao động, điều tra, lập biên bản sự cố, tai nạn lao động.
Sau khi điều tra, lập biên bản sự cố, tai nạn lao động, tùy theo quy mô, tính chất, hậu quả, công đoàn chủ động đề xuất cơ quan chức năng hoặc người sử dụng lao động công bố, thông tin, phổ biến rộng rãi sự cố, tai nạn lao động, nhất là việc rút ra kinh nghiệm và các giải pháp khắc phục, phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động tái diễn; tổ chức đôn đốc, giám sát việc khắc phục các vi phạm, thực hiện các giải pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động tái diễn và giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, xử lý người có trách nhiệm để xảy ra sự cố, tai nạn lao động theo biên bản điều tra.
.... ở 4 cấp công đoàn
Kế hoạch xác định việc tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần phải triển khai sâu rộng ở 4 cấp công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn làm công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Công đoàn Khu công nghiệp, Khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp huyện có nhiều doanh nghiệp, đông công nhân lao động, Công đoàn Tổng công ty thuộc các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nghiên cứu hướng dẫn, phổ biến trong hệ thống công đoàn, đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động....
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở, an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện các nội dung của Kế hoạch tại cấp mình.
Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đôn đốc người sử dụng lao động rà soát các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đánh giá quản lý các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức và hướng dẫn, khuyến khích người lao động phát hiện các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động, đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng và tạo cơ chế thuận lợi cũng như phụ cấp cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoạt động. Thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các nội dung về điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động tốt và có lợi cho người lao động hơn quy định của pháp luật.
Ban Quan hệ Lao động (nguồn: congdoan.vn)