banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Danh hiệu trong thi đua khen thưởng: Người lao động khó được tôn vinh đến thế sao?
Cập nhật lúc 09:55 ngày 19/03/2014

Chính phủ vừa có dự thảo nghị định chi tiết quy định thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2013.

Dự thảo nghị định đã có những điểm mới, nhưng nếu tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua quá cao như thế thì người lao động (NLĐ) trực tiếp vẫn khó được tôn vinh.

Quá tầm với của người lao động

Vấn đề được nhiều CBCĐ quan tâm nhất trong dự thảo nói trên chính là tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua. Theo ông Lê Ngọc Minh - Phó ban Chính sách - Pháp luật CĐ GTVT VN - tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua quá cao.

Cụ thể, huân chương Lao Động hạng Nhất để tặng cho những người có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, trong đó CN, nông dân, NLĐ phải có phát minh, sáng chế, sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả và được cấp bộ, ngành, đoàn thể TƯ công nhận; CN có 7 bằng LĐ sáng tạo của Tổng LĐLĐVN trở lên hoặc 7 sáng kiến trở lên làm lợi trên 2 tỉ đồng, có nhiều đóng góp trong việc đào tạo, kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề...

“Tiêu chuẩn cao như thế thì chẳng biết đến bao giờ NLĐ mới có thể với tới” - ông Minh nói.

Người lao động trực tiếp cần được tôn vinh

Cùng quan điểm với ông Minh, ông Bùi Thế Đạt - Trưởng ban Tuyên giáo CĐ NNPTNT VN - cho rằng: “Tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua này là quá tầm với của NLĐ. Bởi vậy, nên hạ bớt xuống để NLĐ phấn đấu:

Cụ thể, với danh hiệu huân chương Lao Động hạng Nhất thì giảm tiêu chuẩn từ 7 xuống còn 4 bằng LĐ sáng tạo; tương tự, với huân chương Lao Động hạng Nhì thì còn 3 và huân chương Lao Động hạng Ba thì còn 2 bằng LĐST. Có như thế thì NLĐ mới có cơ hội để mơ về những danh hiệu thi đua cao quý này”.

Bà Trần Thị Hồng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định - cho rằng: Quy định tổng số danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 10% tổng số đạt danh hiệu “LĐ tiên tiến” của cơ quan, đơn vị cũng chưa ổn. Theo bà Hồng, tỉ lệ này nên tùy theo tình hình thực tế địa phương, đơn vị.

Một số CBCĐ đề nghị: Đây là danh hiệu thi đua NLĐ có thể phấn đấu đạt được, bởi vậy, cần tăng tỉ lệ này lên để động viên CN, NLĐ và góp phần nuôi dưỡng phong trào thi đua.

Thi đua - Khen thưởng phải công bằng

Đây chính là mong mỏi của nhiều CNLĐ. Theo ông Lý Phương Suy - Phòng Kỹ thuật Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Cạn - chỉ có công bằng thì công tác thi đua - khen thưởng mới thực sự có ý nghĩa. Thực trạng công tác này lâu nay còn nhiều bất cập. NLĐ trực tiếp có cố gắng mấy thì cũng ít người đạt được danh hiệu cao, nên không có động lực phấn đấu.

Đề cập đến việc khen thưởng cho NLĐ, Anh hùng LĐ Cù Thị Hậu - Chủ tịch Hội Người cao tuổi VN, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - từng nói: “Phong trào thi đua cần rộng khắp cho mọi đối tượng, vì các huân chương chỉ "nhằm" vào một số ít có trình độ cao, còn rất đông NLĐ (có những người đi thi tay nghề quốc tế và trong nước được giải rất cao, là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước) lại không có danh hiệu gì... Cần nghiên cứu sao cho những NLĐ chân tay cũng có được danh hiệu xứng đáng".

Ông Nguyễn Hòa Bình - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN - cho rằng: “Những quy định của pháp luật về thi đua - khen thưởng cần phải có những chế định chi tiết, cụ thể. Phải làm thế nào để những NLĐ trực tiếp có cống hiến, có đóng góp thì được đánh giá và khen thưởng đúng mức. Ngoài chuyện có thể quy định về tỉ lệ thì cũng cần phải có những tiêu chí đánh giá phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng”.

Cũng theo ông Bình, cần khuyến khích các ngành, địa phương có giải thưởng tôn vinh riêng, chẳng hạn như LĐLĐ TPHCM có Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Tổng LĐLĐVN thì 5 năm một lần trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. “Tôi hy vọng, khi có những quy định phù hợp thì sẽ tạo được những động lực của các phong trào thi đua trong CNVCLĐ; sẽ xuất hiện nhiều những tấm gương sáng là CBCC, NLĐ bình thường.

Đây chính là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội” - ông Bình chia sẻ.

(Nguồn: Website Tổng Liên đoàn)