banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên, người lao động
Cập nhật lúc 04:10 ngày 08/08/2019
Tình trạng vi phạm pháp luật lao động, công đoàn đối với người lao động diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nhu cầu về tư vấn pháp luật của đoàn viên, người lao động rất lớn, thường xuyên. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật phong phú, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày một nhiều, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật diễn ra thường xuyên, khiến nhu cầu được thông tin, nắm bắt, tìm hiểu để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động ngày càng tăng. 
Từ thực tế đó, công tác tư vấn pháp luật luôn được các cấp công đoàn chú trọng. Hiện nay, hệ thống Công đoàn đã thành lập 79 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật, trong đó có 16 trung tâm (chiếm 20,25%), 45 văn phòng (chiếm 56,96%) và 18 tổ (chiếm 22,78%). Đã có 60/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố (chiếm 95,23%), 17/20 Công đoàn ngành Trung ương và tương đương (chiếm 85%) thành lập trung tâm, văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật. Toàn hệ thống trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật có 505 cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật, trong đó có 41 cán bộ chuyên trách, chiếm 8,12% tổng số cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian, điều kiện làm việc, đi lại của người lao động gặp nhiều khó khăn, nên việc tìm đến tổ chức công đoàn hoặc các thiết chế tư vấn của tổ chức công đoàn để được tư vấn trực tiếp còn rất hạn chế. Mặt khác, hoạt động tư vấn pháp luật của các cấp công đoàn hiện nay chủ yếu thực hiện theo các phương pháp truyền thống, trực tiếp, chưa tiếp cận được số đông, chưa đáp ứng được nhu cầu khẩn trương, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi của đoàn viên, người lao động.
Nhằm đáp ứng yêu cầu tư vấn pháp luật lao động, công đoàn nhanh chóng, kịp thời, chính xác, mọi lúc, mọi nơi của số đông đoàn viên, người lao động; giúp đoàn viên, người lao động hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như nâng cao hiểu biết về pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, khẳng định vai trò và uy tín của tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Đề án tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên, người lao động. 
Đề án nêu rõ các chỉ tiêu: 100% các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tổ chức thực hiện ít nhất 01 hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, đơn vị. Đến năm 2020, 100% trang web của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tích hợp phần mềm tư vấn pháp luật tự động của Tổng Liên đoàn. Đến năm 2021 có ít nhất 50% thiết chế công đoàn/các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đặt hệ thống các máy/kiosk tư vấn pháp luật tự động. Hàng năm tổ chức ít nhất 01 phiên/ngày hội tư vấn pháp luật trực tuyến. Xây dựng ít nhất 01 ứng dụng tư vấn pháp luật tự động sử dụng được trên điện thoại thông minh. Thường xuyên thực hiện tư vấn pháp luật trên các mạng xã hội phổ biến (Facebook, zalo, viber). Báo Lao động, Cổng Thông tin Công đoàn Việt Nam duy trì chuyên mục tư vấn, đường dây nóng kịp thời giải đáp pháp luật cho người lao động.
Bên cạnh đó, đến năm 2022, một số địa phương có số lượng đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở lớn, công nghiệp, dịch vụ phát triển, quan hệ lao động phức tạp có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách thực hiện tư vấn pháp luật trực tuyến (dành ít nhất 60% tổng thời gian làm việc).
Đề án cũng nêu, nhân sự thực hiện tư vấn pháp luật trực tuyến phải là cán bộ công đoàn có chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, có sự cộng tác của các luật sư, luật gia, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, pháp luật lao động… Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành trung ương cần bố trí kinh phí phù hợp để đảm bảo hiệu quả của hoạt động tư vấn pháp luật trực tuyến.
Đ.L