Tiền lương và việc đóng bảo hiểm của người lao động trong thời gian bị ngừng việc
https://media.vuit.org.vn/Images/Upload/User/linhdt/2019/8/tin-tuc-moi-xuat-khau-lao-dong-2015.jpg
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khó tránh khỏi những sự cố ngoài mong muốn buộc phải tạm ngừng hoạt động như: sự cố điện, nước; thiên tai, địch họa, dịch bệnh; máy móc, thiết bị hư hỏng; tai nạn lao động,… dẫn đến người lao động phải ngừng việc. Vậy khi người lao động bị ngừng việc thì người sử dụng lao động sẽ phải trả lương cho họ như thế nào? Và trong thời gian ngừng việc người lao động và người sử dụng lao động có phải tham gia các loại bảo hiểm hay không?
Tiền lương trong thời gian bị ngừng việc
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương cho người lao động trong thời gian bị ngừng việc theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động 2012 như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương.
- Khoản 1, Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc nếu do lỗi của người sử dụng lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định của pháp luật về tiền lương.
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Trong trường hợp, người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng lên tới 50.000.000 đồng tùy vào số lượng người lao động bị người sử dụng lao động vi phạm (Theo khoản 3, Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
Đóng bảo hiểm trong thời gian bị ngừng việc:
Theo Khoản 8, Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017: Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Thanh Huyền tổng hợp (nguồn:thuvienphapluat.vn)