banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Công đoàn Việt Nam – Niềm tin của người lao động
Cập nhật lúc 07:53 ngày 28/07/2019
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Ngày 28-7-1929, tại nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam, được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội đỏ đã tập hợp lực lượng thợ thuyền, đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam, tạo nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Từ đó, Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng. 
Với hơn 20 vạn người, trong năm 1945 đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo vệ, phát huy thành quả của cuộc Cách mạng, tham gia tích cực vào cuộc Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với sự truyên truyền, vận động tích cực của các cấp công đoàn, các thế hệ công nhân Việt Nam đã đóng góp sức người, sức của và cả máu xương cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Tham gia hai cuộc kháng chiến thần thành này, hàng chục vạn công nhân đã nhập ngũ, lên đường đi chiến đấu; nhiều anh chị em chiến đấu ngay tại nhà máy, xí nghiệp, và không ít người đã anh dũng hy sinh. Đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn và GCCN đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, non sông thu về một mối.
Giai đoạn cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công đoàn Việt Nam tập trung tuyên truyền, vận động CNVCLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước, đi đầu trong thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng. Thời kỳ đổi mới, GCCN và tổ chức Công đoàn luôn ở tuyến đầu, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo CNVCLĐ để đề ra và tổ chức các hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển”, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học và các cán bộ công đoàn đã khẳng định những đóng góp xuất sắc của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm qua. Trong đó nêu rõ:
5 truyền thống:
Một là, Công đoàn Việt Nam gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, lao động đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
Hai là, Công đoàn Việt Nam tin tưởng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, là chỗ dựa tổ chức tin cậy của Đảng, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ Đảng.
Ba là, Công đoàn Việt Nam gắn bó mật thiết, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo thành sức mạnh to lớn của hệ thống chính trị Việt Nam, nền tảng chính trị xã hội của Đảng và nhà nước và của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, Công đoàn Việt Nam yêu nước, tự cường, kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động tổ chức hướng dẫn giai cấp công nhân và lao động Việt Nam đi tiên phong trong đấu tranh lao động vì lợi ích tối cao của giai cấp, dân tộc; luôn đứng ở vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị của đất nước.
Năm là, Công đoàn Việt Nam quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: “Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” – Công đoàn Việt Nam luôn có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thuỷ chung, chủ động, tích cực đóng góp vào vai trò phát triển của phong trào công nhân, công đoàn quốc tế.
Từ đó tổng kết, rút ra 5 bài học lớn:
Thứ nhất, Công đoàn Việt Nam giữ vững bản chất giai cấp, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc chủ nghĩa xã hội, kiên định vào sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng và chọn lọc sáng tạo, đường lối quan điểm của Đảng.
Thứ hai, công đoàn bám sát cơ sở, gắn bó máu thịt với công nhân với lao động, kiên quyết, kiên trì, đại diện, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn viên; hành động theo phương châm: Công đoàn của công nhân lao động; công đoàn do công nhân lao động và công đoàn vì công nhân lao động.
Thứ ba, kiên định nền tảng lý tưởng của Đảng, lập trường cách mạng, bám sát thực tiễn phong trào công nhân lao động, kiên quyết thực hiện, tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Thứ tư, chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, tận tuỵ, trách nhiệm, sáng tạo, gương mẫu là nhân tố quyết định trực tiếp thành công các phong trào công đoàn.
Thứ năm, gắn lợi ích của giai cấp, dân tộc và lợi ích chung của công nhân, lao động quốc tế, kết hợp sức mạnh phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam với sức mạnh phong trào công nhân, công đoàn thế giới vì hoà bình, công lý, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Những truyền thống và bài học quý báu này sẽ tiếp tục là hành trang để tổ chức Công đoàn Việt Nam vượt mọi thách thức, khó khăn, tiếp tục đổi mới, tiến những bước vững chắc trong giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ban Tuyên giáo TLĐ