banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Chọn tăng tuổi nghỉ hưu chậm hơn để tránh tạo “cú sốc chính sách"
Cập nhật lúc 01:50 ngày 02/05/2019
Về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi do Bộ LĐTBXH vừa công bố, Tổng LĐLĐVN đồng ý với phương án điều chỉnh tăng chậm hơn (Phương án 1).
Cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Ảnh mang tính minh họa
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ Lao Động (Tổng LĐLĐVN), Tổng LĐLĐVN đồng ý với Phương án 1: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2 do Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra là: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 4 tháng đối với nam và 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ông Lê Đình Quảng giải thích, sở dĩ chọn Phương án 1 nhằm đảm bảo có lộ trình, giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế xã hội tổng thể.
“Kinh nghiệm của một số nước có tăng tuổi nghỉ hưu vừa qua cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên “cú sốc”, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế- xã hội khác của đất nước”- ông Quảng cho biết.
Ông Quảng nói thêm, Tổng LĐLĐVN đồng ý với Phương án 1, tuy nhiên cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù.
Đối với những đối tượng này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Trong thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tham gia hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ dự án Luật; tham gia và có ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo tham vấn do cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như các cơ quan hữu quan tổ chức.
Thông qua các hội nghị, hội thảo, nhiều ý kiến của Tổng LĐLĐVN đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.
Trong đó, ngày 6.4.2019, đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐVN đã tham gia phiên họp lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về một số nội dung lớn của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Hội nghị do đồng chí Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - chủ trì.
Tại hội nghị, Tổng LĐLĐVN đã trình bày quan điểm, đề xuất về các vấn đề cơ bản được nêu trong Báo cáo, gồm: Mở rộng khung thời gian làm ngoài giờ; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động; thời gian nghỉ Tết âm lịch; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ (Ngày tri ân 27.7 dương lịch).
Quế Chi (nguồn: laodong.vn)