banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Nhiều lao động chưa nhận thức được vai trò việc làm của mình
Cập nhật lúc 08:19 ngày 10/04/2019
Thực hiện tốt bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp (DN) có cơ hội phát triển nguồn nhân lực tốt hơn, xây dựng được hình ảnh và uy tín.
Tư vấn pháp luật cho công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: ĐT
Yếu tố then chốt của tăng năng suất lao động
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 quốc gia bình đẳng nhất về giới tính với tỉ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định (khoảng 48%). Báo cáo Chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard - MIWE cho hay, tỉ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%. Mặc dù vậy, bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn trong sự phát triển của Việt Nam. Phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp trong thị trường lao động và không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới. Họ cũng bị hạn chế về quyền ra quyết định, khoảng cách thu nhập theo giới tính vẫn chưa giảm.
Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) Trần Thị Lan Anh cho rằng, mặc dù phụ nữ luôn được đánh giá cao trong mọi lĩnh vực nhưng bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề thời sự cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. Đáng chú ý, lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực, ngành nghề có chất lượng tay nghề, trình độ chuyên môn thấp nên tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân thường thấp hơn so với lao động nam. “Thực tế cho thấy, các DN vẫn chưa mặn mà với việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, mặc dù việc làm này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh”, bà Trần Thị Lan Anh cho hay.
Vẫn còn khoảng cách giữa nam và nữ
Theo Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) Lê Đình Quảng, quá trình khảo sát, nghiên cứu cho thấy vẫn có những khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ (nữ thấp hơn nam). Nguyên nhân do bản thân các LĐ chưa nhận thức được vai trò và vị trí làm việc của mình, nên khi đàm phán thoả thuận mức lương chưa được chính xác. Cùng với đó, nhiều chủ sử dụng LĐ vẫn chưa đánh giá cao chất lượng và trình độ lao động nữ. Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường thanh tra, kiểm tra tránh sự phân biệt đối xử trong việc trả lương cho NLĐ.
Bà Trần Thị Lan Anh cũng nhấn mạnh, việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc có vai trò rất quan trọng, giúp DN tuân thủ pháp luật; đồng thời giữ chân và tuyển dụng được những lao động có kỹ năng, tay nghề cũng như nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho đổi mới, sáng tạo. Hơn hết, việc thực hiện bình đẳng giới sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và danh tiếng, tạo thêm niềm tin của khách hàng, giảm thiểu các nguy cơ về xung đột, tranh chấp tại nơi làm việc.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) Mai Đức Thiện, việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ đặt vấn đề bình đẳng giới là nội dung quan trọng được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Dự thảo sửa đổi cũng sẽ cấm những vấn đề liên quan đến quy định cho phép chỉ tuyển lao động nam hoặc chỉ tuyển lao động nữ. Thay vào đó, người lao động phải được làm những công việc mà họ lựa chọn...
Đặng Tiến - Phương Thảo (nguồn: laodong.vn)