banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Tổng LĐLĐVN: Họp Ban chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn
Cập nhật lúc 08:24 ngày 14/03/2019
Sáng 12.3, Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng Ban Chỉ đạo; Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị, các thành viên tán thành với đề xuất của Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) về những nội dung chính cần tập trung sửa đổi lần này: Sửa đổi, bổ sung Điều 1 theo hướng quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật CĐ và đảm bảo tương thích, đồng bộ với Hiến pháp 2013;
Bổ sung vào khoản 1 Điều 5 quy định cụ thể quyền gia nhập và hoạt động CĐ của NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo sự bình đẳng về quyền CĐ giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tương đồng với các nước trên thế giới;
Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 6 theo hướng quy định khái quát nguyên tắc tổ chức và chỉ đạo hoạt động đảm bảo tập trung, thống nhất từ trung ương đến CĐCS, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để tăng cường tính chủ động, đảm bảo sự độc lập cần thiết cho tổ chức CĐ trong hoạt động theo thông lệ và các Công ước quốc tế;
Sửa đổi, bổ sung Điều 9 theo hướng phân loại rõ nhóm hành vi và quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt, đối xử chống CĐ để đáp ứng yêu cầu thực tế bảo vệ cán bộ CĐ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động CĐ.
Các thành viên cũng đã đóng góp các ý kiến liên quan đến những nội dung cần sửa đổi của Luật CĐ, như: Vấn đề tổ chức đại diện NLĐ, kinh phí CĐ…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cường thống nhất nguyên tắc sửa đổi phải tương thích với Hiến pháp; quy định của Đảng; Điều lệ CĐ Việt Nam (sửa đổi); Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng như với điều kiện hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần sửa quyền đại diện thương lượng của tổ chức CĐ cho phù hợp; vấn đề gia nhập tổ chức CĐ Việt Nam khi tổ chức đại diện NLĐ muốn gia nhập; sửa đổi những nội dung liên quan đến tài chính CĐ theo hướng minh bạch...
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Tổng LĐLĐVN sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn sớm hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Quế Chi (nguồn: laodong.vn)