banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam
Cập nhật lúc 11:12 ngày 22/10/2018
Sáng ngày 21/10/2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Gala Tổng kết Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 (Gala Tự hào hàng Việt Nam năm 2018). 
Tới dự Chương trình có đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN; đồng chí Phan Huy Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cùng nhiều nghệ sĩ đồng hành với Chương trình và các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước.
Các đồng chí Lãnh đạo đến tham dự Chương trình
Gala Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 là sự kiện tổng kết các hoạt động trong Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018; trong đó ghi nhận những điểm nổi bật và kết quả đạt được của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức. Chương trình có quy mô lớn, với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, nhằm góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc ở mọi người dân Việt Nam trong việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Chương trình được khởi động từ đầu năm 2018, trong đó có các sự kiện trọng tâm gồm: Lễ Khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam, Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp và bàn về các giải pháp phát triển thị trường trong nước khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh và một Hội nghị tương tự ở khu vực phía Nam - Thành phố Cần Thơ…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Chương trình
Phát biểu khai mạc Gala Tự hào hàng Việt Nam năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động truyền thông phong phú của Chương trình, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về năng lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm Việt Nam để từ đó lan tỏa tình yêu hàng Việt tới hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam”. Đồng thời đánh giá Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra, Chương trình đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu kết nối, tạo ra sự liên kết hữu cơ, bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm phát triển sản phẩm hàng hoá Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam; cũng như kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp các dịch vụ ngân hàng, hạ tầng, giải pháp công nghệ... phù hợp, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.
Phát biểu tại buổi lễ, Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc tập trung các nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường; tổ chức thực hiện nhiều hoạt động truyền thông góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đánh giá cao sự sáng tạo của Bộ Công Thương trong Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại như: viễn thông, mạng xã hội, nhiều triệu người tiêu dùng đã chủ động tham gia vào các hoạt động của Chương trình.
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy được nhận kỷ niệm chương của Chương trình
Tại Gala Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 đã diễn ra 2 phiên tọa đàm gồm: “Các giải pháp để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và “Kết nối để phát triển hàng Việt Nam”, chia sẻ những kinh nghiệm đầu tư, sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam của lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp.
Ra đi để trở về
Tại Phiên Tọa đàm thứ nhất với chủ đề Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, những năm qua ngành Dệt may trăng trưởng khoảng 16%-17% mỗi năm. Năm 2018 toàn ngành xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD, nhưng sản xuất phục vụ thị trường trong nước là một nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của ngành. Với các sản phẩm dệt may mang thương hiệu Việt Nam, hiện chúng ta đã chủ động được nguồn cung nguyên liệu trước kia vẫn thiếu hụt ở trong nước. Có khoảng 70% các sản phẩm sợi, vải, phụ liệu, chỉ may và các hệ thống bao bì, đóng gói… đã được sản xuất ở trong nước. Chỉ có một số sản phẩm vải dệt thoi hay bông vải chúng ta đang phải nhập khẩu.
Theo ông Giang, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành có 3 mặt hàng chiến lược lớn là may mặc các loại, phụ liệu, và ngành công nghiệp hỗ trợ như vải địa kỹ thuật chúng ta đều sản xuất được và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Việt Nam có khoảng 158 thương hiệu may mặc lớn, hầu hết đã ý thức được tầm quan trọng của thị trường trong nước. Để tăng tỷ lệ nội địa hóa và chinh phục người tiêu dùng, ngành xây dựng 5 giải pháp chiến lược. Thứ nhất là đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường trong nước hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt đẩy mạnh bán hàng vào KCX-KCN. Thứ hai, chủ động kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vào nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt. Đến 2020 - 2025 chúng ta sẽ chủ động được toàn diện phần cung nguyên phụ liệu thiếu hụt. Thứ ba, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm vải, sợi, may mặc mang thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới. Thứ tư, đạo tạo nguồn nhân lực để có thể tiếp cận được với công nghệ 4.0. Thứ năm, đào tạo ngành thiết kế thời trang có khả năng theo kịp với tốc độ biến đổi gu tiêu dùng rất nhanh.
Các đại biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Tập đoàn TH Ngô Minh Hải cho rằng, điều quan trọng nhất để TH chinh phục được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài là, TH bắt đầu bằng cách xây dựng giá trị thương hiệu của TH theo hướng nhân văn, phục vụ sức khỏe người tiêu dùng, đóng góp chế độ dinh dưỡng cho người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Thương hiệu TH được xây dựng trên 2 giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm và trách nhiệm cộng đồng. TH đã đi tiên phong trong vấn đề minh bạch hóa về ghi nhãn sữa hay khởi xướng phong trào như Sữa học đường vì tầm vóc Việt. Sau khi xây dựng thành công thương hiệu ở trong nước, TH đã đưa sản phẩm của mình sang Philippnes, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Mianma. Nhưng làm thế nào để đưa sản phẩm sữa sang châu Âu - quê hương của của các laoig bò sữa, lại là bài toán hóc búa với TH. Vì thế, TH đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 1.500 tấn/ ngày tại Liên bang Nga với thương hiệu TH của Việt Nam và đã được người Nga quan tâm, chào đón. Khi thương hiệu TH được thị trường quốc tế chào đón, sẽ hỗ trợ trở lại cho thương hiệu TH tại thị trường Việt Nam. Chúng ta thường nói "Ra đi để trở về" là  có nghĩa như vậy.
Nhiều ý kiến xác thực, tâm huyết được chia sẻ tại Gala
Đồng hành với nhà sản xuất
Tại phiên Tọa đàm thứ hai: Kết nối phát triển hàng Việt, Phó Chủ tịch Điều hành - Quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam Lê Thị Mai Linh cho biết, cho đến nay 96% tổng doanh số của BigC đến từ sản phẩm, hàng hóa trong nước, chỉ có 0,21% doanh số đến từ sản phẩm hàng hóa của Thái Lan. Với 96% đến từ hàng nội địa đã chứng tỏ Central Group Việt Nam đã thực hiện đúng chủ trương và biện pháp với hiệu quả thiết thực về ưu tiên phân phối sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Nhân đây, bà Mai Linh đã chia sẻ tầm nhìn và hành động của Central Group Việt Nam thông qua Chương trình Thu mua nông sản địa phương, mua trực tiếp từ các hộ nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp nhằm truyền tín hiệu thị trường, nhu cầu thị trường đến với các hộ nông dân để việc sản xuất nông sản đúng với yêu cầu của thị trường. 
Chương trình thứ hai có tên gọi Sinh kế cộng đồng nhằm hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các xã khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu VND/tháng. Chương trình là một trong những sáng kiến nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Central Group Việt Nam cam kết đóng góp vào thịnh vượng chung của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Chương trình “Sinh kế Cộng đồng” phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản và sản phẩm thủ công, từ giai đoạn sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm; từ đó, từng bước ổn định nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình nông dân, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Hay nói một cách dễ hiểu, với chương trình “Sinh kế Cộng đồng”, Central Group Việt Nam giúp người nông dân, ngư dân, đặcbiệt đồng bào dân tộc thiểu số có thể ổn định và phát triển thu nhập, tiến tới cuộc sống khá giả từ chính những sản phẩm của mình. 
Dưới góc nhìn sử học, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cách đây gần một thập kỷ, khi chúng ta khởi xướng Cuộc vận động, lúc đó dùng nhiều đến từ “ưu tiên” cho hàng Viêt, nhưng đến nay, nhiều hàng Việt đã trở thành niềm tự hào của người Việt. Theo Nhà sử học, để hàng Việt phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp phải hướng đến người tiêu dùng. Hướng đến người tiêu dùng bằng công nghệ, bằng quản lý, bằng cách liên kết với nhau để đưa hàng Việt tiếp cận với người Việt mạnh mẽ hơn nữa.
Nguồn: TCCT