banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
CĐCTVN: Đặt niềm tin vào tổ chức Công đoàn
Cập nhật lúc 12:46 ngày 24/09/2018
Nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Công đoàn cấp trên và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt là 4 chương trình công tác trọng tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, đó là “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018”, “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn”, “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể”, “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ”.
Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Quang Huy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Chủ tịch CĐCTVN xung quanh nội dung trên nhân dịp Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sắp diễn ra.
PV: Đồng chí có thể cho biết một số kết quả đạt được tại Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ III diễn ra mới đây?
Đồng chí Trần Quang Huy: Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) lần thứ III, nhiệm kỳ 2018 – 2023 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28 – 29/6/2018. Dự Đại hội có gần 400 đại biểu chính thức đại diện cho trên 165.000 cán bộ, công nhân viên chức ngành Công Thương. Kết thúc 2 ngày làm việc, Đại hội đã thành công tốt đẹp, 41 đồng chí được bầu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ mới với số phiếu đồng thuận cao. Đại hội đã thông qua các văn kiện chính trị quan trọng định hướng cho hoạt động công đoàn Ngành 5 năm tiếp theo.
Đại hội Công đoàn các cấp và CĐCTVN lần thứ III thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ ngành Công Thương với hàng ngàn ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Công đoàn Ngành và Đại hội Công đoàn Việt Nam, cũng như kiến nghị, đề xuất với Đảng, Chính quyền các cấp và với tổ chức Công đoàn.
PV: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã đề ra 4 chương trình hành động lớn của Tổng Liên đoàn.  Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật của CĐCTVN trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐVN?
Đồng chí Trần Quang Huy: Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI CĐVN, ngay sau khi Tổng Liên đoàn ban hành các chương trình hành động, Ban Chấp hành CĐCTVN đã kịp thời xây dựng các chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình CNVCLĐ và hoạt động công đoàn toàn ngành. 
Trong đó, CĐCTVN đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức, quá trình thực hiện có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, kế hoạch về công tác cán bộ làm căn cứ để các cấp công đoàn triển khải thực hiện, góp phần mang lại hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn. 
Nghị quyết Đại hội II CĐCTVN đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 100% cán bộ công đoàn chuyên trách, 70% cán bộ công đoàn không chuyên trách (trong đó 100% UVBCH CĐCS) được đào tạo, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn và kỹ năng hoạt động công đoàn. Trong nhiệm kỳ qua, CĐCTVN đã tổ chức tổng số 308 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho trên 33.393 lượt cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS với nhiều chuyên đề: Hướng dẫn giới thiệu Luật Lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tập huấn công tác tài chính công đoàn, nghiệp vụ công tác nữ công; kỹ năng đàm phán TƯLĐTT, Bảo hộ lao động, công tác phát triển đoàn viên,… Ngoài ra, CĐCTVN còn phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo nhằm chia sẻ, học tập kinh nghiệm cho các cán bộ công đoàn…
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy trao quà tặng cho nhà ăn số 3, Công đoàn Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, thuộc CĐ CN Hóa chất VN.
Song song với việc nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn, CĐCTVN cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp tập huấn kỹ năng thương lượng tập thể để các CĐCS thương lượng, ký kết được các bản TƯLĐTT có nhiều nội dung cao hơn với quy định của pháp luật, nâng cao hơn quyền lợi của NLĐ. Kết quả, trong nhiệm kỳ qua, toàn ngành có trên 489 đơn vị đã ký TƯLĐTT, chiếm tỷ lệ 98%, trong đó: doanh nghiệp nhà nước đạt 98,58%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 96,54%; doanh nghiệp FDI đạt 90,91%. Trong số các đơn vị có TƯLĐTT có trên 60% các bản thỏa ước có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ theo quy định của pháp luật, tập trung vào việc đảm bảo tiền lương, tiền thưởng, việc làm; các chế độ phúc lợi cho NLĐ như hiếu hỉ, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ khi ốm đau, tham quan, nghỉ mát; chế độ ăn ca, bảo hộ lao động và các hoạt động tinh thần cho NLĐ.
Triển khai thực hiện chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”, CĐCTVN đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện chương trình này một cách hiệu quả. Các cấp công đoàn đã lồng ghép triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết vào các nội dung hoạt động chuyên đề của CĐCTVN và trong các Chương trình toàn khóa như: Chương trình trọng tâm toàn khóa số 3d/CTr-CĐCT về “Tham gia xây dựng đội ngũ CNLĐ ngành Công Thương thời ký đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, đồng thời tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện để CNVCLĐ được tham gia học tập, nâng cao trình độ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình của TLĐ, tiếp tục triển khai sâu rộng Quyết định 231/QĐ-TTg ngày 13/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”… Trong 5 năm qua đã có 127.399 lượt đoàn viên, NLĐ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Các cấp công đoàn trong ngành phối hợp cùng chuyên môn hàng năm tổ chức thi tay nghề cho công nhân, có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho công nhân tự học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ,…
PV: Để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra của Đại hội III CĐCTVN cũng như các chương trình của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sắp tới, CĐCTVN sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa đồng chí Chủ tịch?
Đồng chí Trần Quang Huy: Trong 5 năm tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ có sự chuyển đổi cơ cấu và mô hình tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Ở trong nước, những nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo sẽ tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đời sống, việc làm của NLĐ. Nhiều cơ hội và thách thức cho NLĐ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc NLĐ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm nếu không thường xuyên nâng cao trình độ lao động, tác phong nghề nghiệp… Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới đối với việc làm, đời sống của đoàn viên, NLĐ, phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như CĐCTVN nói riêng phải nỗ lực đổi mới tư duy, phương thức và nội dung hoạt động, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, NLĐ để có thể đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ trong ngành, đồng thời khẳng định vị thế, nâng cao vai trò của tổ chức.
Chính vì vậy, CĐCTVN xác định mục tiêu và giải pháp cho 5 năm tới, đó là: Tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; lấy nhu cầu chính đáng của đa số đoàn viên, NLĐ làm cơ sở hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cấp công đoàn; chú trọng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút đoàn viên và NLĐ; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. 
Qua đó góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐ đất nước; tích cực xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, các cấp công đoàn tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích đoàn viên, NLĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn viên chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; tăng cường nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
PV: Đại diện cho 165.000 cán bộ, đoàn viên, NLĐ ngành Công Thương, đồng chí có gửi gắm tâm tư, tình cảm gì đến Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sắp diễn ra vào cuối tháng 9 tới đây?
Đồng chí Trần Quang Huy: Nhiệm kỳ 2018 – 2023 của Công đoàn Việt Nam được xác định là nhiệm kỳ đổi mới mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tập hợp và chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công cuộc CNH – HĐH đất nước, tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tại Đại hội này, CNVCLĐ ngành Công Thương bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, Tổng Liên đoàn và Bộ Công Thương; thể hiện niềm tin đối với tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ, kỳ vọng tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh trong nhiệm kỳ tiếp theo, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của giai cấp công nhân và NLĐ.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!
Hương Giang (Tạp chí LĐ&CĐ)