banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường
Cập nhật lúc 04:22 ngày 23/08/2018
Ngày 22/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 34) ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì điều hành Hội nghị, cùng tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Lãnh đạo Đảng ủy Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Bộ... và đại diện một số Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì điều hành Hội nghị
QLTT phải là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngày 12/10/2018, Quyết định 34 sẽ có hiệu lực. Đến thời điểm đó, theo Bộ trưởng, lực lượng QLTT cần tích cực triển khai một số nhiệm vụ sau:
Một là, quán triệt những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đặt ra khi ban hành Quyết định 34; Thứ hai, khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai xây dựng bộ máy tổ chức Tổng cục QLTT, thống nhất theo ngành dọc, từ Tổng cục đến Chi cục, các Đội… ở địa phương, trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng QLTT địa phương. Thứ ba, hoàn thiện bàn giao với UBND các địa phương, tổ chức xây dựng quy chế phối hợp công tác với địa phương trong việc cùng tham gia chỉ đạo lực lượng QLTT tại các khu vực, các địa phương, đảm bảo việc chuyển tiếp thuận lợi, nhanh chóng nhưng vẫn hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn; phối hợp các lực lượng chức năng như biên phòng, cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế… không để khoảng trống về pháp lý cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của mình tại các địa bàn. Thứ tư, nhanh chóng phối hợp các cơ quan chức năng trong Bộ Công Thương hoàn thiện các cơ chế phối hợp ngang giữa lực lượng QLTT với các đơn vị thuộc Bộ; quy trình nghiệp vụ của lực lượng QLTT để đảm bảo nhiệm vụ được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, mỗi cán bộ QLTT không chỉ là những công chức, viên chức giỏi nghiệp vụ, chuyên môn của mình mà còn có những hiểu biết chung về phát triển kinh tế xã hội, những khung khổ pháp lý chung; bên cạnh đó, phải có những phẩm chất của những người cán bộ thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân. “Chúng ta cũng được hiểu là những người đại diện của pháp luật trong tất cả các hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm…”.
Do đó, những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ QLTT. Những hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm trị. Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng QLTT cũng như trong một bộ máy mới của tổ chức bộ máy Bộ Công Thương.
Thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực; đó là những bài học rất "đau đớn và chua xót”, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định trong tổ chức mới của Tổng cục QLTT, công tác về cán bộ, phẩm chất cán bộ là yêu cầu đầu tiên được quan tâm hàng đầu đảm bảo điều kiện tiền đề, giúp lực lượng QLTT hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình”.
Bộ trưởng khẳng định, Lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị thuộc Bộ luôn luôn sát cánh và là chỗ dựa tin cậy với các cán bộ QLTT trong tất cả các hoàn cảnh, trong tất cả các lĩnh vực về công việc, về những tâm tư, tình cảm cũng như đời sống vật chất, chế độ, chính sách… Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số… phối hợp với các Chi cục QLTT để triển khai, hướng dẫn các nội dung của Quyết định 34. Bộ trưởng cho biết, từ nay đến ngày 12/10 , Bộ sẽ sớm có các Quyết định, quy định về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho các cán bộ QLTT ở địa phương. Bao gồm: quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương (cụ thể là Tổng cục QLTT) với các cấp ủy đảng của địa phương, với các lực lượng chức năng, chuyên ngành; các hướng dẫn cụ thể để các cán bộ QLTT thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tinh gọn bộ máy
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lý Quốc Hùng cho biết, Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương, được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Tổng cục QLTT gồm: Văn phòng Tổng cục , Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế , Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Cục Nghiệp vụ QLTT. Văn phòng Tổng cục có 3 phòng và Trung tâm truyền thông QLTT. Cục Nghiệp vụ QLTT có 4 phòng. Các vụ thuộc Tổng cục không có cơ cấu Phòng bên trong.
Tổ chức QLTT tại các tỉnh địa phương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cục QLTT cấp tỉnh) gồm: Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục QLTT liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ cấu tổ chức cảu Cục QLTT tỉnh có 3 phòng; Cục QLTT Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không có quá 4 phòng; Cục QLTT liên tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương không có quá 5 phòng.
Đội QLTT cấp huyện trực thuộc QLTT cấp tỉnh gồm: đội QLTT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương; Đội QLTT liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội QLTT chuyên ngành; Đội QLTT cơ động. Các đội QLTT cấp huyện không tổ chức Phòng trực thuộc. Văn phòng Tổng cục, Cục Nghiệp vụ QLTT, Cục QLTT cấp tỉnh và Đội QLTT có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, trụ sở làm việc và được mở tài khoan tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 25/10/207 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngay từ khi xây dựng Đề án thành lập Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương đã có chủ trương tinh gọn bộ máy. Cụ thể, tại Trung ương, tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị ( giảm 45,5%). Việc tinh giản được thực hiện ngay khi Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/10/2018. Tại địa phương, lực lượng QLTT cấp tỉnh: theo lệ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giản từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục QLTT cấp tỉnh thành Cục QLTT liên tỉnh. Theo đó, sắp xếp 38 Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 19 Cục QLTT liên tỉnh. Đối với lực lượng QLTT cấp huyện sẽ tiến hành tinh giản tổ chức bộ máy theo lộ trình sắp xếp lại các đội QLTT cấp huyện thành các Đội QLTT liên huyện theo mục tiêu giảm 305 đội, giảm 45% từ năm 2018 – 2020.
Về vấn đề tài chính, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp Vũ Quốc Anh cho biết, theo Quyết định 34, các Chi cục QLTT sẽ được bàn giao nguyên trạng về Bộ Công Thương. Chi cục QLTT sẽ sử dụng và quyết toán với ngân sách địa phương hết năm 2018. Từ năm 2019, kinh phí hoạt động của lực lượng QLTT sẽ thuộc ngân sách của Bộ Công Thương.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận các ý kiến góp ý của đại diện Chi cục QLTT Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa... Theo Thứ trưởng, Quyết định 34 là văn bản pháp lý rất quan trọng, tạo cơ sở triển khai xây dựng lực lượng QLTT toàn quốc chính quy, hiện đại. Thứ trưởng đề nghị tất cả các cán bộ QLTT nghiêm túc tiếp tục các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về những yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. 
Thứ trưởng đặt 02 câu hỏi lớn đối với lực lượng QLTT cũng như các đơn vị liên quan: “Về trung ương thì khác như thế nào? Làm thế nào để xứng đáng là người đại diện cho pháp luật một cách công tâm?”. Điều này đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ một cách cụ thể, thực tế giúp lực lượng QLTT khi thống nhất toàn ngành cần có ý thức nghiêm túc về việc nâng cao chất lượng công việc cũng như hoàn thiện nghiệp vụ, bản lĩnh, tư tưởng của một cán bộ ngành Công Thương. Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, còn rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện cho đến mốc thời gian 12/10, tuy nhiên Thứ trưởng nhắn nhủ, nhanh chóng thực hiện bàn giao nhưng tuyệt đối không được lơ là nhiệm vụ chuyên môn. Lãnh đạo các địa phương, Lãnh đạo Chi cục QLTT cần có những chỉ đạo thường xuyên về chuyên môn của LL QLTT vì tình hình hiện nay rất phức tạp, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm sắp tới và tại những địa bàn phức tạp.
Thực hiện Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, CĐCTVN đang tham gia Tổ công tác tiếp nhận các Chi cục QLTT, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình lao động, đoàn viên, tổ chức công đoàn tại các Chi cục QLTT, Đội QLTT để đề xuất phương án thành lập Công đoàn Tổng cục QLTT.
Nguồn: Cổng TTĐT MOIT