banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thủ tướng Chính phủ làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Cập nhật lúc 01:37 ngày 27/07/2018
Sáng ngày 25/7/2018, tại Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc của Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành: Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Văn hóa Thể thao Du lịch…
Về phía Tổng LĐLĐVN có Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch: Nguyễn Thị Thu Hồng, Mai Đức Chính, Trần Văn Lý, Trần Văn Thuật và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch.
Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến của tổ chức Công đoàn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng cùng các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá kết quả thực hiện phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018 và trọng tâm phối hợp công tác những tháng cuối năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch (ĐCT) và đoàn viên, NLĐ trong cả nước. Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trong việc chuẩn bị cho buổi làm việc hôm nay.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng buổi làm việc giữa hai cơ quan có ý nghĩa lớn, diễn ra trong dịp Tổng LĐLĐVN chuẩn bị Đại hội XII, triển khai thiết chế CĐ nhằm chăm lo cho đoàn viên, NLĐ… Đảng, Chính phủ, Nhà nước rất quan tâm đến đoàn viên, NLĐ – trong khi đó Công đoàn là tổ chức đại diện của đoàn viên – do đó Chính phủ rất muốn lắng nghe ý kiến của Tổng LĐLĐVN, để chú trọng, xử lý các kiến nghị của Tổng LĐLĐVN, tạo điều kiện để Tổng LĐLĐVN thực hiện tốt nhiệm vụ của mình…
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2017, trọng tâm phối hợp công tác năm 2018.
75 văn bản tham gia ý kiến
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, trong thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. 
Thực hiện quy chế phối hợp, Tổng LĐLĐVN đã có 75 văn bản tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, cơ quan, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động.
Tiêu biểu như: tham gia với Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ trong đó quy định nhiều ưu đãi hơn đối với người lao động và công đoàn cơ sở khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; sửa đổi quy định về thủ tục chi trả trợ cấp mất việc theo hướng thuận lợi hơn cho người lao động; Phối hợp, tham gia các đoàn khảo sát, xây dựng các Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội trình tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tổng LĐLĐVN và các cơ quan đã phối hợp xây dựng phương án tiền lương tối thiểu vùng để đưa ra thảo luận tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia, làm cơ sở để Chính phủ quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng bình quân 6,5%.
Cùng với đó, Tổng LĐLĐVN đã kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ về nhiều vấn đề lớn như: Bất cập trong phương án sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP về hệ thống thang, bảng lương và định mức lao động; việc làm bền vững, nhất là đối với lao động nữ trên 35 tuổi; những vướng mắc trong quá trình đại diện khởi kiện tại Tòa án đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn; mức lương hưu đối với giáo viên; các điểm chưa hợp lý trong việc quy định lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018, đề xuất xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng có lộ trình đối với lao động nữ đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội...
2,9 triệu lượt đoàn viên sử dụng các sản phẩm Chương trình phúc lợi
Ngoài ra, Chương trình phát triển đoàn viên nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp. Năm 2017, cả nước đã kết nạp mới được 860.163 đoàn viên, thành lập mới 5.360 công đoàn cơ sở. Công tác phát triển đảng trong đoàn viên, người lao động luôn được các cấp Công đoàn quan tâm. Trong năm 2017, các cấp công đoàn đã giới thiệu 138.887 đoàn viên công đoàn cho Đảng xem xét và có 91.190 đoàn viên công đoàn được kết nạp Đảng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Bên cạnh đó, Chương trình phúc lợi đoàn viên lần đầu tiên triển khai, tạo sự chuyển biến quan trọng về ý thức trách nhiệm của cán bộ và tổ chức công đoàn trong việc trực tiếp mang lại lợi ích cho đoàn viên. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các cấp Công đoàn chủ động đàm phán, ký kết 1.476 thỏa thuận với các doanh nghiệp, các đối tác; tổ chức nhiều hoạt động phong phú, tạo điều kiện trên 2,9 triệu lượt đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đạt trên 975 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình ngừng việc tập thể trong tháng 6 năm 2018, Tổng LĐLĐVN đã chủ động nắm bắt, dự báo, tình hình công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, báo cáo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm ổn định tình hình trong đoàn viên, công nhân, lao động, nhất là việc thực hiện nhanh “Lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN gửi đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động cả nước”; tiến hành đa dạng các hoạt động vận động, giải thích để người lao động chấp hành đúng pháp luật, không nghe và làm theo những lời xúi giục, kích động gây mất trật tự an toàn xã hội, tự giác quay trở lại sản xuất ngay trong ngày nghỉ để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Nguồn: Cổng TTĐT TLĐ