banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam: Đồng hành cùng sự phát triển của ngành Công Thương
Cập nhật lúc 12:52 ngày 27/06/2018
Những năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã không ngừng đổi mới phát triển cả về số lượng và chất lượng các hoạt động theo hướng đoàn kết - dân chủ - trách nhiệm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Công Thương.
Song hành chất và lượng
Hiện nay, số lượng cán bộ, công nhân viên, lao động (CBCNVLĐ) tại các đơn vị có công đoàn trực thuộc CĐCTVN là 165.222 người, trong đó có 50.670 lao động nữ (chiếm tỷ lệ 30,67%). Số lượng đoàn viên công đoàn là 155.184 người, trong đó có 48.615 lao động nữ (chiếm tỷ lệ 31.33%). Cơ cấu đội ngũ CBCNVLĐ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Phó Chủ tịch CĐCTVN Tạ Thị Vân Anh trao tặng số tiền 30 triệu đồng chăm lo nhà ở cho gia đình đoàn viên Trần Thị Kim Thoa
Ngành Công Thương đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính và sắp xếp, tái cơ cấu, thoái vốn doanh nghiệp (DN) nhà nước; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên. Những chủ trương, chính sách trên có tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của NLĐ, phong trào CBCNVLĐ và hoạt động công đoàn ngành.
Nhiệm kỳ 2013-2018, hoạt động công đoàn trong toàn hệ thống đã tích cực đổi mới, bám sát thực tiễn để thực sự là người đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CBCNVLĐ. Công đoàn các cấp đã tích cực tham gia với chuyên môn trong việc ổn định việc làm, đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu; kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách với NLĐ; ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ cơ sở, phương án sắp xếp lao động.
Hàng năm, CĐCTVN và Bộ Công Thương đều có văn bản liên tịch chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị, DN và công đoàn thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (khu vực sự nghiệp), Hội nghị NLĐ (khu vực DN). Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đã trở thành nền nếp của 100% đơn vị sự nghiệp, 90% DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với NLĐ. Đồng thời, CĐCTVN thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động tại cơ sở. Nhờ đó, quan hệ lao động tại các đơn vị ổn định, hài hòa, tiến bộ, không để xảy ra đình công, bãi công trái pháp luật.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Công đoàn đã tuyên truyền, vận động đông đảo công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc vận động của đất nước, ngành, địa phương. Đặc biệt, tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ CBCNVLĐ thời gian qua rất được CĐCTVN chú trọng nhằm nâng “chất” của CBCNVLĐ, xứng đáng là lực lượng đi đầu. Các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia cải cách hành chính như cắt giảm các thủ tục không cần thiết; cải tiến lề lối làm việc, tác phong công tác; nâng cao tinh thần trách nhiệm của CBCNVLĐ trong thực thi nhiệm vụ, công vụ... theo cơ chế một cửa quốc gia trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua do công đoàn chủ trì phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hàng năm trở thành động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, tạo lợi nhuận ở các đơn vị. Từ định hướng của CĐCTVN và Bộ Công Thương, các cấp công đoàn cùng với lãnh đạo đơn vị, công ty vận dụng sáng tạo tổ chức các phong trào thi đua, hội thi phù hợp với ngành nghề, điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Phong trào “Luyện tay nghề giỏi”, “Kinh doanh giỏi, quản lý tốt”, “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”; phong trào thi đua “Ba tốt” (Quản lý vật tư tốt, làm kế hoạch tốt, tổ chức lao động tốt), “Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”, “Trồng cây xanh, làm sạch không khí”… Đáng chú ý là phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”. Nhiệm kỳ 2013 - 2018, toàn ngành Công Thương có hơn 109.525 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận, giúp làm lợi hơn 1.400 tỷ đồng; có những sáng kiến không tính được bằng tiền mà có giá trị về mặt xã hội. Những con số ấn tượng này là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của CĐCTVN trong việc phát động sâu rộng các phong trào thi đua đến NLĐ toàn ngành.
Điểm tựa vững vàng cho người lao động
Trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới, các Hiệp định: Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… mà Việt Nam tham gia đều đòi hỏi cao vïì quyïìn lúåi, nghôa vuå của NLĐ, buộc chúng ta phải có sự thay đổi trong một số chế độ, chính sách đáp ứng yêu cầu chung.
Thăm và động viên người lao động tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Thêm vào đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trong giai đoạn phát triển mạnh đã làm thay đổi nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực. Sự mở rộng đầu tư và đổi mới công nghệ của các DN trong tương lai đòi hỏi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa. “Chính vì thế, nhiệm kỳ 2018 - 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đề ra các quyết sách đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới” - ông Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐCTVN - khẳng định và nhấn mạnh, CĐCTVN sẽ tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả, lấy nhu cầu chính đáng của đa số đoàn viên, NLĐ làm cơ sở hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cấp công đoàn; đổi mới mô hình tổ chức các cấp công đoàn theo hướng lấy đoàn viên và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp công đoàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh… Từ đó, xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tích cực xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn sẽ tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, cán bộ công đoàn; thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên.
5 năm qua (2013- 2018), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng trên 100 Cờ thi đua xuất sắc cho các đơn vị trực thuộc CĐCTVN, hơn 300 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Có 8 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 5 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 20 tập thể và 95 công nhân trực tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Nguồn: Báo Công Thương