banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Quan hệ lao động của Việt Nam và Kinh nghiệm hoạt động công đoàn của các nước
Cập nhật lúc 10:07 ngày 09/11/2013
Hiện nay các doanh nghiệp không chỉ chịu sự điều chỉnh của các pháp luật trong nước, quy phạm nội bộ của DN mà còn có cả các quy phạm thông lệ quốc tế và pháp luật quốc gia. Yếu tố nước ngoài tham gia tranh chấp lao động ngày càng phổ biến, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện bằng thương lượng, hòa giải, trọng tài xét xử, quyền đình công của người lao động được thừa nhận. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng của nền kinh tế quốc dân ở Việt Nam.

Việt Nam hiện nay, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát có xu hướng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất và nghiêm trọng về quy mô, mức độ. Trong 5 tháng đầu năm 2013, cả nước đã diễn ra 178 cuộc đình công, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 126 cuộc và khu vực dân doanh 52 cuộc.

Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công: 

Đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh doanh nghiệp trả lương thấp, CPI tăng cao, lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động chưa được giải quyết hài hòa. Trình trạng vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động diễn ra khá phổ biến như: Trả lương chậm, nợ BHYT, BHTN, BHXH.
Thỏa ước lao động tập thể chưa đảm bảo về chất lượng, số doanh nghiệp có TƯLĐTT không cao (khoảng 65%), trong đó DNNN: 96%, XNTN: 40%. Đặc biệt, chất lượng TƯLĐTT thấp, mang tính hình thức, TƯLĐTT cấp trên cơ sở không phát triển (mới có TƯLĐTT ngành Dệt May, và ngành Cao Su).

Cơ chế đối thoại, hợp tác tại nơi làm việc kém phát triển và không hiệu quả: Việc thông tin, giao tiếp đối thoại giữa NSDLĐ, CĐ, NLĐ rất khó khăn khó thực hiện. Thực tiễn hoạt động chia sẻ thông tin, tham vẫn giữa các bên và khả năng tham gia của NLĐ còn hạn chế chưa thường xuyên, hai chiều.

Việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công còn nhiều hạn chế về cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp lao động và đình công phức tạp và chưa hợp lý. Thủ tục xét xử tại tòa án phức tạp, thiếu tin cậy. Quyền đình công của người lao động khó được đảm bảo thực hiện hợp pháp.

Để khắc phục được nguyên nhân trên về lâu dài phải tổ chức xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên nền tảng chia sẻ lợi ích một cách hài hòa giữa NLĐ và DN. Trong đó chú trọng đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, làm người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập huấn về quan hệ lao động và tiêu chuẩn lao động quốc tế

Một vài kinh nghiệm của các nước

Công đoàn Kim khí Thụy Điển:

Có 350.000 đoàn viên, 40.000 cán bộ công đoàn, 37 văn phòng khu vực và 12.500 công đoàn cơ sở. Đại hội 3 năm/lần. Trọng tâm của tổ chức công đoàn Thụy Điển là xây dựng TƯLĐLĐTT trên cơ sở cam kết của NLĐ và DN. Cam kết có nghĩa là không ai có thể buộc người lao động phải làm việc với mức lương thấp hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn đã quy định trong TƯ. Công đoàn Thụy Điển đòi hỏi xây dựng quỹ thất nghiệp để đảm bảo những phúc lợi, an sinh và có những ưu tiên cho người lao động: Môi trường làm việc tốt hơn, đảm bảo việc làm trong thời kỳ biến động, phát triển đoàn viên trong tất cả các ngành nghề.

Công đoàn Kim khí Thụy Điển đã ký 41 TƯLĐTT của cấp Quốc gia và nguyên tắc TƯLĐTT phải cao hơn luật và tốt hơn luật. Từ TƯLĐTT cấp ngành, các doanh nghiệp tiếp tục ký TƯLĐTT cấp doanh nghiệp cao hơn mức quy định của TƯLĐTT cấp Ngành. Ngoài ra, Công đoàn Kim khí Thụy Điển có một tổ chức đại diện cho giới sử dụng lao động đứng ra để thương lượng TƯLĐTT.
 
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở Thụy Điển do Công đoản quản lý khi NLĐ thất nghiệp thì họ chỉ cần gặp tổ chức công đoàn là được trả tiền thất nghiệp. Công đoàn thành lập Công ty Bảo hiểm của Công đoàn để người lao đông khi mắc bệnh hiểm nghèo thì được hưởng, không để NLĐ mua bảo hiểm tư nhân dễ bị lừa.

Cán bộ công đoàn ở Thụy Điển cần phải: Lắng nghe đoàn viên; thu hút đoàn viên tham gia hoạt động của Công đoàn; tham gia việc lập kế hoạch và thực hiện hoạt động công đoàn; trung thành với tổ chức công đoàn và đoàn viên công đoàn; tôn trọng các quyết định; tích cực tham gia các cuộc họp, gặp gỡ đoàn viên; nắm rõ hoạt động công đoàn và các vấn đề liên quan đến TƯLĐTT; tham gia hoạt động hội thảo, hội nghị, tập huấn do công đoàn tổ chức; dám tham gia thảo luận, nêu ý kiến tại nơi làm việc; sẵn sàng lắng nghe và vận dụng kinh nghiệm của mọi người vào hoạt động công đoàn; sự thành công hoạt động công đoàn là phải xây dựng được tinh thần làm việc đồng đội.

Công đoàn Đức:

Có 675.000 đoàn viên, 44 văn phòng khu vực và 1.100 công đoàn cơ sở. Đại hội 3 năm/lần. Mỗi lần đại hội có 300 đại biểu. TƯLĐTT chiếm 62% có hiệu lực ràng buộc chung. Ở Công đoàn ngành, thành lập Hội đồng lao động đại diện cho người lao động tại nơi làm việc. Cán bộ của Hội đồng lao động do người lao động bầu, nhiệm kỳ 4 năm. Công đoàn Đức chú trọng thương lượng ký kết TƯLĐTT với 2 nội dung:

- Lợi ích của người lao động: Tiền lương, giờ làm việc, hỗ trợ phương tiện đi lại, phúc lợi của doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và chia sẻ lợi nhuận.

- Quyền của người lao động gồm: Quyền tự do công đoàn, quyền thành lập tổ chức, quyền thương lượng tập thể, quyền hành động tập thể (đình công), quyền đối với sức khỏe và cuộc sống, sự tham gia của người lao động: Người lao động có quyền được thông tin, tham gia ý kiến và cùng ra quyết định.

Công đoàn Hàn Quốc:

Theo quy định của Pháp luật, DN không trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách mà chỉ trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên việc. Về hợp đồng lao động, chủ yếu Công đoàn Hàn Quốc ký HĐLĐ không xác định thời hạn.

Kỷ luật sa thải: Chủ sử dụng muốn sa thải người lao động phải đưa ra lý do chính đáng và phải có quy trình như thông báo bằng văn bản, ngày sa thải. Phải thương lượng với người lao động với NLĐ trước khi sa thải, phải có chính sách sa thải công bằng. Nếu NLĐ bị sa thải không có lý do chính đáng sẽ kiện lên ủy ban quan hệ lao động.

Đạo luật về Hội đồng lao động

1. Ở Đức - Đạo luật về Hội đồng lao động:

- Người lao động có quyền chia sẻ thông tin: NLĐ có quyền tham gia xây dựng và biết thông tin về kế hoạch sản xuất của Công t; quyền được thông tin về quy trình làm việc lắp đặt thiết bị mới và thay đổi tổ chức bộ máy; quyền tham gia và xây dựng, cải tiến và mở rộng nhà máy.

- Người lao động có quyền được hỏi ý kiến về: Quản lý nhân sự, sa thải, đào tạo nghề, quy chế tuyển dụng, cơ cấu tại nơi làm việc, nội dung công việc, giờ bắt đầu, giờ kết thúc ngày làm việc và sự thay đổi trong thời gian làm việc, tiền lương và việc điều chỉnh tiền lương, phúc lợi của Công ty, tuyển dụng và thuyên chuyển cá nhân người lao động.

2. Ở Hàn Quốc- Đạo luật về Hội đồng lao động:

- Người lao động có quyền được tham gia ý kiến về: Chia sẻ lợi nhuận, tuyển dụng và đào tạo, an toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc, quản lý nhân sự, sa thải, đào tạo lại, thuyên chuyển công việc do vấn đề kỹ thuật hoặc quản lý, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.

- Người lao động có quyền đòi hỏi ý kiến về: Tiền lương, hệ thống tiền lương, sử dụng thiết bị, công nghệ mới hoặc cải tiến quy trình làm việc, sửa đổi nội quy lao động, phúc lợi của công ty, lắp đặt hệ thống theo dõi camera, đảm bảo quyền sinh con và cân bằng giữa gia đình và công việc.
 

 
Người lao động có quyền được tham gia, đòi hỏi và chia sẻ thông tin (Ảnh minh họa)

Lê Tâm