banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Người lao động khu công nghiệp trước cuộc cách mạng 4.0
Cập nhật lúc 06:24 ngày 27/10/2017
Hiện nay cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đang hoạt động với khoảng 2,8 triệu lao động.
Theo kết quả khảo sát đề tài năm 2015 của Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy có đến hơn 70% công nhân là lao động ngoại tỉnh, trong đó có gần 53% công nhân lao động có tuổi đời dưới 30 tuổi; 45,5% công nhân có tuổi đời từ 31-55 tuổi và chỉ có 1,5% công nhân có tuổi đời từ 55 tuổi trở lên. Về trình độ văn hóa: có 71,2% công nhân lao động tốt nghiệp trung học phổ thông; 18,9% tốt nghiệp trung học cơ sở và vẫn còn một bộ phận công nhân chỉ tốt nghiệp tiểu học; 37,6% công nhân được đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp, 22,8% chưa qua đào tạo, 11,4% công nhân kỹ thuật, 13,5% trung cấp chuyên nghiệp, 14,3% công nhân có trình độ cao đẳng, đại học và 0,6% trên đại học. 
Thách thức hiện hữu
Qua khảo sát cho thấy, có 66,8% bản thân người lao động và 65,9% gia đình người lao động cho rằng mức sống còn khó khăn, không khá giả; 30,2% bản thân công nhân và 40,6% gia đình người lao động là cho rằng không có tích luỹ; công nhân chi tiêu kham khổ, tằn tiệm bản thân là 53,1% và gia đình là 47,8%. Cùng với đó là 76% công nhân không có nơi tập thể dục, thể thao; 85,1% công nhân nơi ở không có nhà văn hoá. 71,8% không được tham gia nhà văn hoá thể thao của doanh nghiệp; mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở ổn định, 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp. Công việc chủ yếu của đa số công nhân lao động khối sản xuất trực tiếp là những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại, lao động thủ công, không đòi hỏi nhiều kỹ năng, chỉ cần có sức khỏe và độ dẻo dai, chịu được cường độ công việc lớn. 
Với thực tế như vậy, cần có một đánh giá khách quan, toàn diện, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng về công nhân lao động khu công nghiệp đã và đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 hay thứ 4, với các điều kiện cần và đủ, đặt trong tổng thể mục tiêu của nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Và một số câu hỏi cần trả lời thấu đáo, rõ ràng là điểm tiếp xúc của người lao động với cuộc cách mạng 4.0 là gì? Hoạt động sáng tạo của người lao động là gì? Hoạt động kết nối công nghệ như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo giúp ích được gì cho người lao động và như thế nào? Người lao động bắt đầu từ đâu? Người lao động áp dụng 4.0 phục vụ công việc cũng như cải thiện đời sống của họ là gì? Điều gì khiến người lao động vui vẻ, thoải mái? Giá trị của người lao động là gì dưới từ góc nhìn người sử dụng lao động tại doanh nghiệp? Sự gắn kết của họ với lãnh đạo doanh nghiệp đến đâu? Sự kết nối giữa người lao động với nhau như thế nào?
Hiện nay lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế ước tính 53,4 triệu người; trong đó số công nhân lao động ước khoảng hơn 15 triệu người, bình quân mỗi năm ước tăng khoảng 1,3 triệu người vào lực lượng công nhân lao động. Do đó, số lượng người lao động trực tiếp gia tăng nhiều vào lực lượng lao động, trong khi nhu cầu về giá trị sức lao động trực tiếp không tăng hoặc giảm sẽ dẫn đến việc định giá thấp giá trị sức lao động của những nhân công lao động trực tiếp. Theo góc độ kinh tế học thì giá trị sức lao động khi thực hiện những công việc đơn giản được định giá không cao; đồng thời khi thu nhập là thấp thì người lao động khó cải thiện được cuộc sống của mình. Và một nghịch lý là chủ doanh nghiệp muốn có năng suất cao, nhưng lại chọn lao động giá rẻ để giảm bớt chi phí nhân công, đồng thời một mức lương tối thiểu thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng tái tạo sức lao động của người lao động và ảnh hưởng gián tiếp đến gia đình người lao động.
Lao động trực tiếp sản xuất, lao động lắp ráp thủ công, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng chất xám không cao chiếm số lượng lớn và chất lượng lao động không đồng đều đang trở thành rào cản để tăng năng suất lao động. Một mô hình cạnh tranh chủ yếu là gia công, lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm ít, chủ yếu là gia công, lắp ráp, ít công nghệ chất xám, thì giá trị của người lao động sản xuất trực tiếp sẽ không tương quan với giá trị của sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp. Về lâu dài và theo xu thế chung thì chi phí công nghệ sẽ giảm trong khi chi phí lao động tăng lên.
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì ngoài yếu tố quan trọng tình hình an ninh chính trị xã hội ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thì có hai yếu tố cơ bản, đó là thị trường nhân công lao động giá rẻ, giá cạnh tranh, cùng với nguồn cung lao động bổ sung dồi dào và chi phí thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến tháng 12/2016, có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với 22.509 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 293,25 tỷ USD trong đó Hàn Quốc  là nhà đầu tư lớn nhất với 5.747 dự án còn hiệu lực, Nhật Bản với 3.280 dự án còn hiệu lực. Một ví dụ điển hình như của Samsung Việt Nam, năm 2016, doanh thu đạt  đạt 46,3 tỷ USD, xuất khẩu 39,9 tỷ USD, chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước và sử dụng đến 140.000 lao động; năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam ước tính khoảng 50 tỷ USD, đóng góp khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu năm 2017, chiếm tỉ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo mặt bằng chung của các nước đang phát triển thì mức lương của công nhân lao động ở Việt Nam vào mức trung bình thấp. Cụ thể, theo khảo sát của Công đoàn Công nghiệp toàn cầu IndustriALL năm 2015 thì mức lương tiêu chuẩn của lao động khối sản xuất ở Châu Á cho thấy mức lương trung bình của công nhân lắp ráp ở Việt Nam là 180 USD/tháng, đối với kỹ sư là 346 USD/tháng; và ở Campuchia mức lương công nhân lắp ráp là 162USD và kỹ sư là 323 USD;  ở Thái Lan là 344 USD, và kỹ sư là 651 USD; ở Trung Quốc là 424 USD, kỹ sư là 675 USD, ở Đài Loan là 985 USD, kỹ sư 1249 USD; ở Nhật Bản là 2588 USD, kỹ sư là 3248 USD; ở Hàn Quốc là 1283 USD, kỹ sư là 2241 USD.
Qua mức lương trung bình của công nhân sản xuất tại một số nước thì có thể hình dung một phần nào đó mức chi phí nhân công của Việt Nam, nếu trong một bài toán với các chi phí được hạch toán cụ thể, cùng với sự phát triển của công nghệ của tự động hóa, của robot, với sự nắm bắt, tận dụng cơ hội, lợi ích của cuộc cách mạng 4.0 thì tại sao Samsung không đặt nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc với nhiều ưu đãi của tập đoàn đại diện cho thương hiệu quốc gia và điều đó là gì nếu cơ bản không phải là nhân công giá rẻ và chi phí cạnh tranh.Và một vấn đề cần đặt ra là giá trị của sản phẩm, giá trị của doanh nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phải tương quan, tương đồng một cách tương đối với giá trị lao động và cuộc sống của người lao động đang góp phần trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình tạo nên sản phẩm đó.
Tiến trình thích ứng 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mạng lưới vạn vật kết nối Internet, xã hội giao tiếp qua thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, điện toán đám mây, thế giới số, kinh tế số. Đó là sự kết nối trao đổi thông tin, sự tích hợp toàn diện của thông tin, kiến thức và công nghệ, qua đó những thứ xung quanh người lao động sẽ được kết nối, hoạt động thông minh hơn, hiệu quả hơn, sẽ tạo ra một khoảng không gian đủ lớn để cho người lao động để gắn kết với quyết định của họ, điều này bị chi phối bởi những giá trị của sự sẻ chia, dẫn đến sự đáp ứng tùy biến cá nhân, thúc đẩy giá trị của người lao động. 
Cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang lại những lợi ích lớn về mặt xã hội và môi trường của kĩ thuật số cho người lao động, sẽ từng bước thúc đẩy biến đổi thành tích lũy xã hội thay vì tích lũy kinh doanh. Sự phát triển của công nghệ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động trong việc áp dụng các ứng dụng kỹ thuật số mới để mang lại lợi ích lớn hơn cho người lao động, cho xã hội trong một thế giới mở, một thế giới kết nối đa chiều và toàn diện hơn. Thời đại 4.0 là thời đại mà tất cả mọi người có thể bình đẳng tiếp cận, thông tin kiến thức, điều làm nên sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh, đó không phải cách người lao động thu thập dữ liệu mà là cách phân tích, liên kết và tận dụng dữ liệu để hỗ trợ cho công việc, để tạo ra các chuỗi giá trị, giá trị bản thân, giá trị công việc.
Giao tiếp với công nghệ và kinh tế số trở thành một phần cuộc sống hàng ngày; khoa học công nghệ, cách mạng 4.0 sẽ giúp người lao động có sức mạnh quản lý cuộc đời của chính họ. Trong xã hội số, sự giao tiếp chủ yếu bằng công nghệ với việc sử dụng màn hình số hóa cùng lúc, như để giải trí, thư giãn, thì người lao động cần biết làm thế nào để xâu chuỗi việc sử dụng thiết bị số hóa như một quá trình nhằm đạt những mục tiêu nhất định.
Cách mạng 4.0, xã hội số hóa, kinh tế số, đang chuyển mục đích từ lợi nhuận, giá trị thặng dư sang chủ nghĩa giá trị, một hệ thống kinh tế đề cao giá trị cá nhân. Một xu hướng điển hình của cuộc cách mạng 4.0 như: Uber, hệ thống dịch vụ taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu chiếc xe nào; Alibaba, hệ thống thương mại điện tử giá trị nhất, không có sản phẩm nào; Facebook, hệ thống mạng xã hội lớn nhất thế giới, không tự sản xuất nội dung. Như vậy cho thấy 4.0 sẽ thúc đẩy hợp tác để gắn kết, giá trị chia sẻ, sự hợp tác ở mức độ cùng sáng tạo, trao quyền để tạo dựng nhiều kênh giao tiếp, tạo nội dung, gắn bó vì mục tiêu chung. Qua đó người lao động sẽ được quan tâm, sử dụng bất kỳ công cụ nào trong xã hội số hóa để tạo ra “giá trị cho bản thân”.
Trong tương lai cơ chế tạo ra giá trị cho bản thân, tạo ra cho cá nhân phản ánh nhu cầu cá nhân từ những trải nghiệm khác nhau. Trước đây chỉ có doanh nghiệp mới có sức mạnh truyền thông, với cấu trúc 4.0 xã hội số hóa thì sức mạnh tạo ra giá trị trở thành vốn chung của mọi người của cả người lao động và doanh nghiệp. Nội dung nào gần gũi với người lao động, thú vị và hấp dẫn, mang lại cảm giác tin tưởng sẽ thành công và tạo kết quả tích cực quá trình tạo ra giá trị cá nhân, bắt đầu từ giao tiếp để có những giá trị riêng. Mỗi người lao động đều có một giá trị khác nhau, với nhiều tiềm năng khác nhau. Trong xã hội số hóa, bất kể họ làm gì, họ sẽ bắt đầu liên hệ với những gì thực sự quan trọng với thành công của họ, giá trị của người lao động là có điểm khác biệt và nổi bật, nói một cách khác, nếu người lao động làm được điều gì mà người khác không thể, qua đó tạo ra giá trị tốt hơn cho người lao động.
Cuộc cách mạng 4.0 sẽ thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin, tăng cường tính liên kết, ai cũng có một ý tưởng sáng tạo, được sống trong môi trường sáng tạo, họ biết nhiều thông tin hơn, tự mình làm nhiều thứ hơn, giúp người lao động tự hiện thực hóa bản thân một cách tốt nhất, để người lao động cảm thấy mình đặc biệt và được ưu tiên. Cuộc cách mạng công nghệ cũng mở rộng cánh cửa về giáo dục đối với nguười lao động, thông qua kỹ thuật số người lao động có thể tiếp cận kiến thức và thông tin bất cứ đâu, có thể học mà ko cần đến trường; tiếp cận vốn tri thức cần thiết cho cuộc sống. Kiến thức về công nghệ sẽ mang đến trải nghiệm mới mẻ, trải nghiệm cảm hứng từ việc học để hướng đến giảm thiểu sự bất bình đẳng và tăng cơ hội để có sự giáo dục tốt hơn. Cùng với đó là tiếp cận thuận tiện trong lĩnh vực y tế công cộng, 4.0 giúp hiểu biết kiến thức về chăm sóc bản thân và người thân, tiết kiệm thời gian và chi phí, thúc đâỷ tiêu chuẩn chung thúc đẩy an toàn cuộc sống.
Sự bền vững của  người lao động và việc làm bền vững trong cuộc cách mạng 4.0 không phải cứ làm quá nhiều hay quá ít, thu nhập cao hay thu nhập thấp mà là đạt đến mức độ cân bằng mà mọi người lao động cùng cố gắng, nơi mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm, nơi mà mọi người đều kết nối với nhau, nơi tri thức lúc nào cũng tiếp cận được một cách dễ dàng và thuận tiện. Cách mạng 4.0 cũng thúc đẩy, tương tác để nhân biết nhu cầu của người lao động dễ dàng hơn, người lao động có thể phản hồi, cung cấp thông tin, hoặc tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn, quản lý lượng thông tin lớn một cách có hệ thống và hiệu quả với công nghệ. Do đó người lao động có thể tự nâng cấp các hoạt động và đạt hiệu quả tối đa trong tương lai gần, với xu hướng mang lợi cho chính mình và những người xung quanh và cho doanh nghiệp. Công nghệ càng hiện đại càng cần những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực làm việc tốt, tinh thần và thái độ làm việc hăng say nhưng đồng thời số lao động cần sử dụng lại giảm đi. Việc sử dụng công nghệ càng hiện đại sẽ càng đòi hỏi người lao động cao hơn cả về trình độ lao động, sức khóe, tâm lý, khả năng sáng tạo, tinh thần làm việc.
Giá trị của sản phẩm, giá trị của doanh nghiệp, giá trị của bản thân người lao động, sản phẩm tự tạo ra cho bản thân với giá trị gia tăng, sự hợp tác thúc đẩy người lao động có cảm giác làm chủ, người lao động yêu thích và thỏa mãn với những sản phẩm họ tạo ra. Đây là quá trình hợp tác khăng khít, khả năng sáng tạo, khả năng thích nghi hợp tác cao nhất của 4.0 là “cùng sáng tạo”. Mỗi người lao động phải gắn kết với nhau nhiều hơn nữa, họ cần chia sẻ những giá trị tập thể và học cách tham gia như thế nào, đẩy mạnh sự di chuyển, nhân cách hóa và khả năng tiếp cận thông tin; với các mối quan hệ đó càng rõ ràng, bền chặt. 
Trong tiến trình thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, người lao động cần có nhiều hoạt động mang tính lan tỏa, dẫn đến sự tương tác với nhiều người hơn, thúc đẩy khả năng tiếp cận với kiến thức, với công nghệ, với nhiều người hơn, để hướng đến và trợ giúp người lao động bộc lộ ý tưởng và suy nghĩ của họ dựa theo những giá trị tích cực được sẻ chia, để tạo giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng. Đó là quá trình hợp tác trong môi trường khuyến khích sự tham gia, với những ý tưởng sáng tạo và tích cực từ người lao động, với các cách thức tương tác ở mức độ cao, làm sao để cho người lao động nhận thấy và phải có động lực mang tính bắt buộc. Cần có những khung pháp lý và cơ chế khuyến khích để người lao động tích cực, chủ động, hăng say với công việc, trau dồi kiến thức và cùng với sự hỗ trợ, kết nối của công nghệ để người lao động dần tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0.
Trần Phong (tổng hợp)