banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Vấn đề lao động trong "Cách mạng Công nghiệp 4.0"
Cập nhật lúc 08:37 ngày 16/10/2017
Thời gian qua, khái niệm "Cách mạng Công nghiệp 4.0" được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về sự thay đổi, phát triển cho các doanh nghiệp, song cũng có không ít cảnh báo, thách thức đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Vậy cuộc cách mạng này được hiểu như thế nào, những nguy cơ nào tác động đến người lao động Việt Nam ? 
1. Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp.
Nói đến cách mạng công nghiệp là nói đến sự thay đổi nền công nghiệp đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong lịch sử phát triển, con người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn, tạo ra các đột phá của khoa học và công nghệ thay đổi bản chất của sản xuất.
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 với phát minh cơ khí hóa thủy lực và máy hơi nước, mở đầu bằng sự cơ giới hóa ngành dệt may, bước tiến của ngành giao thông vận tải với đầu máy xe lửa hơi nước đầu tiên năm 1804 và tầu thủy chạy bằng máy hơi nước vào năm 1807 thay thế những mái chèo hay những cánh buồm.
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai được khởi xướng từ cuối thế kỷ 19, kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Đây thời kỳ động cơ điện và dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt. Đã có những phát minh lớn về những công cụ sản xuất mới: máy tính, máy tự động và hệ thống máy tự động, người máy, hệ điều khiển tự động; nghiên cứu, tạo ra những vật liệu mới như chất polymer với độ bền và sức chịu nhiệt cao; tìm kiếm nguồn năng lượng nguyên tử, mặt trời, gió, thủy triều… thay thế cho nguồn năng lượng cũ. Những tiến bộ trong giao thông vận tải, thông tin liên lạc như máy bay siêu âm khổng lồ, tàu hỏa tốc độ cao và những phương tiện thông tin liên lạc, phát sóng vô tuyến qua hệ thống vệ tinh nhân tạo, những thành tựu kỳ diệu trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp với những tiến bộ nhảy vọt trong cơ khí hóa, thủy lợi hóa, phương pháp lai tạo giống, chống sâu bệnh… khắc phục nạn thiếu lương thực, đói nghèo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra vào những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet, tạo nên một thế giới kết nối. Cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình này cơ bản hoàn thành nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao. 
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Năm 2013, từ khóa mới “Công nghiệp 4.0” bắt đầu nổi lên nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ. Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất, mức sống gia tăng tất cả nhờ vào sự sáng tạo của con người và sẽ tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
2. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với lao động Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn, việc tiếp cận thành tựu  sản xuất mới sẽ tạo công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất.
Dưới tác động của cuộc cách mạng này sẽ làm đổi mới mạnh mẽ về tư duy quản lý, sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát, cải tiến hệ thống quản lý xã hội của Chính phủ. Trong sản xuất kinh doanh, chi phí cho giao thông và thông tin sẽ giảm xuống, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, tất cả sẽ làm mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, cải thiện chất lượng, phẩm chất, tốc độ, giá cả gia tăng giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp buộc phải tìm cách thiết kế, tiếp thị, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thích nghi với sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Trong nền công nghiệp 4.0 với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực. Trước hết, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn ở mức thấp. Phần lớn lao động không qua đào tạo, lao động phổ thông, số người có trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản chỉ chiếm khoảng trên 20% trong tổng số lao động. Năng suất lao động Việt Nam hiện đang ở mức thấp trong khu vực và trên thế giới. Theo Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam năm 2015: năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia. Nói cách khác, năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam, một người Thái Lan bằng gần 3 người Việt Nam và một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn 2 người Việt Nam. Mức chi phí lao động ở Việt Nam thấp do hầu hết các doanh nghiệp đầu tư lắp ráp, gia công đơn giản. Cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 với nền sản xuất dựa vào công nghệ cao, điện toán trong đó có sự xuất hiện của robot trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trên nhiều lĩnh vực, sẽ có nhiều triệu người mất việc làm và dự kiến trong hai thập niên tới khoảng 86% công nhân dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc vì xu hướng tự động hóa. Theo thống kê Bản tin Thị trường lao động của Bộ LĐ-TB-XH, quý I/2017 có khoảng trên 1,1 triệu lao động thất nghiệp. So với cùng kỳ năm trước thì tăng thêm hơn 20.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,08%. Một phần nguyên nhân là do cơ cấu cung – cầu của thị trường lao động bất hợp lý nhưng một phần không nhỏ cũng là do lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một thực tế khác là lao động giản đơn luôn đứng trước tương lai bất ổn, vì họ làm việc ở những vị trí dễ bị thay thế bất cứ lúc nào nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc và kỷ luật. Bên cạnh đó, dù tỉ lệ lao động phổ thông thất nghiệp cao, song nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng nghề vẫn đang rất thiếu.
3. Lao động Việt Nam cần chuẩn bị gì khi tham gia cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung - cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp. Để tránh viễn cảnh người lao động mất việc làm, đầu tiên cần tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao, nếu chậm trễ trong đào tạo nhân sự phù hợp, các nhà máy nước ngoài sẽ chuyển đến bất cứ nơi nào tận dụng được lợi thế công nghệ robot và khi ấy lao động giá rẻ trở nên vô nghĩa. Người lao động phải đánh giá trình độ bản thân, phải vừa làm vừa học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công nghiệp, có thể làm việc độc lập lại vừa có thể làm việc tập thể, thậm chí có thể kết hợp làm việc cùng robot. Bất cứ thời kỳ phát triển xã hội nào, con người cũng là yếu tố trung tâm. Thế giới trải qua nhiều cuộc cách mạng kỹ thuật và lần nào con người cũng bị đặt trước nguy có mất việc, nhưng điều đó đã không xảy ra nhờ vào khả năng thích ứng với những công việc mới ra đời. 
Việc sử dụng công nghệ và tri thức làm người lao động có thể phải chuyển đổi nghề, có thể mất việc. Sự thay đổi này diễn ra từ từ, vì vậy trong tương lai gần, có thể trước mắt người lao động sẽ không cảm nhận được, nhưng khi giá thành máy móc rẻ, sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh, người lao động không thích ứng được sẽ thất nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đang diễn ra, Việt Nam chưa định hình được những việc làm mới nên khó khăn cho đào tạo nghề đối với người lao động. Bên cạnh các việc Chính phủ đã làm như đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, khuyến khích tư duy sáng tạo, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ… Việt Nam cần đa dạng hóa ngành nghề, khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành kỹ năng cao, giá trị gia tăng cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 
Người lao động phải xác định cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa. Mỗi cá nhân người lao động phải nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là tư duy, tập quán, lề thói tiểu nông, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. 
Nguyễn Xuân Thái