https://media.vuit.org.vn/Images/Upload/User/thanhhuong/2017/9/1-500-ty-dap-chieu-bo-cong-thuong-them-du-an-kem-hieu-qua-thu-13.jpg
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. 1.216 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thông tin này được phản ánh trên bài viết của một số báo ra ngày hôm nay: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ gấp rút rà soát các điều kiện kinh doanh, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, xoá bỏ thủ tục, các điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, là một bộ đa ngành, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn nhiều. Hiện, toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh và như vậy sẽ là cản trở trong viêc huy động phát triển nguồn lực, sản xuất..
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc cải cách hành chính cần dựa trên tinh thần cầu thị, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, trước ngày 14-9, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp báo cáo kế hoạch cải cách hành chính báo cáo Bộ trưởng xem xét và cùng với Tổ công tác của Bộ tiến hành rà soát và có các quyết định cắt giảm cụ thể. Đích thân Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm giám sát công tác cải cách hành chính.
2. Nếu dừng mỏ sắt Thạch Khê: Tiền đã tiêu, ai bồi thường?
Đó là tiêu đề bài viết đăng trên Chuyên trang An ninh tiền tệ & Truyền thông – Báo Người đưa tin: Cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đủ điều kiện để triển khai và không có lý do gì để phải đình hoãn. Còn nếu trong trường hợp buộc phải dừng thì “người ký” quyết định phải hoàn trả toàn bộ phần vốn góp mà các cổ đông đã bỏ ra.
Theo ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long – cổ đông tư nhân duy nhất trong số các nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), tin rằng với kinh nghiệm dày dặn của mình, với ý chí quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, “Thủ tướng sẽ có quyết định cho triển khai dự án này”. Ông Hùng khẳng định không lo về tài chính. Khi có quyết định dự án được tiếp tục triển khai, các cổ đông của TIC nộp đủ vốn điều lệ (2.400 tỷ đồng) thì ngân hàng sẽ ký hợp đồng cho vay.
Ông Phạm Lê Hùng khẳng định dự án này khả thi và các cổ đông đủ sức để làm. Với ba cổ đông, chủ đầu tư đề xuất, nếu Chính phủ cho phép cổ phần hóa sẽ phát hành cổ phiếu, cho thêm nhà đầu tư có năng lực vào bằng cách mua lại cổ phần của các cổ đông “bỏ cuộc”. Hơn nữa, cả TKV và Thăng Long đều có cam kết văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ được góp thay số vốn hơn 200 tỷ đồng của các cổ đông không thực hiện.
Ông Phạm Lê Hùng bày tỏ quan điểm, nếu dừng dự án, quyền lợi của nhà đầu tư cần được giải quyết theo hai phương án. Thứ nhất là phải bồi thường cho nhà đầu tư ít nhất là toàn bộ vốn đã góp. “Tiền cổ đông góp, Nhà nước đã tiêu. Ai ký quyết định dừng dự án, người ấy phải bồi thường”.
Phương án thứ hai mà Chủ tịch Khoáng sản Thăng Long đưa ra là cấp thẩm quyền phải đóng dấu chứng nhận Công ty Thăng Long đã nộp đủ số tiền tương đương 12,5% vốn góp vào dự án (243 tỷ đồng, cộng với lãi suất ngân hàng 10 năm qua đã lên đến gần 300 tỷ đồng).
3. Những điều kiện ‘trói buộc’ doanh nghiệp - Bài 1: Xuất khẩu gạo.
Trên Báo điện tử Chính phủ đăng tải loạt bài viết về các điều kiện kinh doanh được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất trong thời gian qua và những nỗ lực của các cơ quan trong việc thực hiện yêu cầu cải cách của Chính phủ. Kỳ đầu tiên là bài viết về việc Bộ Công Thương xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo:
Trước kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, Bộ Công Thương chính thức phát đi phiên bản mới nhất của dự thảo thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Dự thảo mới nhất được Bộ công bố ngày 28/8 đã có hàng loạt đổi mới mạnh mẽ, như chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, chỉ tổ chức hậu kiểm; bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA…
Với hướng quy định này, Bộ Công Thương ước tính số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60% - 70% so với hiện nay, chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù như gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo dược liệu… mà không cần đáp ứng những điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp giấy chứng nhận.
4. Điều kiện kinh doanh gas vẫn 'bó tay' doanh nghiệp.
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dù sắp đến lúc phải ban hành song vẫn còn nhiều ý kiến chê trách, trong đó có ý kiến từ cơ quan thẩm định - Bộ Tư pháp.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của Nghị định 19 và các dự thảo trước đây mà Bộ Công Thương công bố là đều quy định: muốn phân phối gas, doanh nghiệp phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3. Quy định này so với Nghị định 107 trước đây thì ít hơn 3 lần (thương nhân cấp 1hay còn gọi là thương nhân phân phối phải có ít nhất 300.000 vỏ và bồn chứa 800 m3) nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng chính sách này bảo vệ các ông lớn, o ép doanh nghiệp nhỏ và quy định như trên là không cần thiết.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: "Đối với thương nhân phân phối khí, dự thảo Nghị định mới nhất đã bãi bỏ các điều kiện kinh doanh liên quan như phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối cho phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020".
LH (Nguồn VP Bộ CT)