banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ký ức của một nhà giáo ưu tú ngành Công Thương
Cập nhật lúc 01:27 ngày 07/01/2014

LTS: Tháng 10/2002, thầy giáo Trần Đức Khánh, Trưởng Khoa Cơ bản Trường Cao đẳng Hóa chất (nay là trường Đại học Công nghiệp Việt Trì) được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đầu tháng 01/2003, Nhà nước tổ chức vinh danh các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú tại Thủ đô Hà Nội. Trong chuyến đi này, thầy Khánh đã vinh dự được cùng Đoàn hơn 100 nhà giáo đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân, được nghe Đại tướng trò chuyện về vấn đề đổi mới giáo dục. 10 năm trôi qua, khi Đại tướng đã về nơi vĩnh hằng, những cảm xúc ngày nào gặp gỡ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của người thầy giáo già. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Tòa soạn  xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà giáo Trần Đức Khánh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang phải) thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia

Ngày 17/01/2003 đối với tôi là một ngày rất quan trọng, vì hôm nay tôi và các đồng nghiệp trong Đoàn sẽ được đến thăm, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đón tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu. Từ sáng sớm, chúng tôi đã đến Lăng Hồ Chủ Tịch thắp hương, rồi qua văn phòng Chủ tịch nước để Chủ tịch nước Trần Đức Lương chúc mừng, động viên. Sau đó Đoàn đến 30 Hoàng Diệu. 10 giờ 10 phút, Đoàn chúng tôi đến nơi. Ra đón Đoàn có Đại tướng, phu nhân Đại tướng và hai nhân viên bảo vệ. Năm đó, Đại tướng đã 93 tuổi, sức khỏe bắt đầu yếu nên chỉ đi được một mình trên đường bằng phẳng, còn ở đường bậc thang lên xuống phải có hai người dìu hai bên.

Đoàn chúng tôi được Đại tướng đón tiếp ở phòng khách. Đó là một căn phòng nhỏ có 2 dãy ghế xếp hình chữ U đặt xung quanh một bàn to ở giữa. Trên tường được treo rất nhiều Huân, Huy chương của Đại tướng. Phòng chỉ chứa được (cả đứng phía sau 2 dãy ghế) hơn 60 người là chật ních, số còn lại phải đứng trước cửa ra vào và cả ngoài sân. Tuy vậy, vì phía trong ngồi ghế nên vẫn nhìn rõ được Đại tướng và phu nhân. May mắn cho tôi là được ngồi rất gần bên Đại tướng, chỉ cách đồng chí Nhung là trưởng đoàn. Đồng chí Nhung thay mặt Đoàn tặng đóa hoa tươi thắm, nhiều màu sắc rực rỡ cho Đại tướng và phu nhân. Đại tướng nhận và trách nhẹ nhàng “các đồng chí hẹn 10 giờ mà bây giờ mới tới, nhà giáo là phải biết đúng hẹn”. Chúng tôi nhận lỗi với Đại tướng vì Đoàn đi đông lại qua một số nơi nên giờ giấc không được chính xác.

Cuộc trò chuyện với Đại tướng và phu nhân thật nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc.

Là người lính nhưng xuất thân từ nhà giáo, nên Đại tướng rất tâm đắc với phái đoàn Nhà giáo nhân dân - Nhà giáo ưu tú. Mặc dù tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn, nhưng đầu óc Đại tướng vẫn rất minh mẫn, tiếng nói tuy có chậm hơn trước đây, nhưng còn rất rõ ràng. Đại tướng đã ôn lại vài nét về thời kỳ làm nghề giáo của Đại tướng; Những băn khoăn về một số chủ trương hiện tại của ngành Giáo dục mà Đại tướng chưa hài lòng; Những tâm sự của người tuổi già trước sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Đó là, sự trăn trở về phương pháp giáo dục ngày nay khác xưa quá nhiều, học thì nhiều nhưng cái thu vào đầu quá ít. Thời trước, ngày đi học ở lớp có một buổi, còn chiều, tối tự học, tự nghiên cứu, kiến thức do tự bản thân bồi dưỡng mà thành. Bây giờ kiến thức học trò là do thầy cô cố nhồi nhét vào. Nhồi đầy theo kiểu công thức dập khuôn, ít động não sáng tạo. Đại tướng đã động viên chúng tôi rằng, cố gắng nghiên cứu phương pháp học để mỗi học sinh ngay từ bé đã biết yêu lao động, trân trọng giá trị của lao động và lao động phải phù hợp với từng lứa tuổi, từng địa phương để khi lớn lên mỗi người đều biết yêu quê hương mình.

Ngay từ ngày ấy, Đại tướng đã rất lo lắng về một bộ phận người thầy không giữ được tư cách, đạo đức của nhà giáo. Bắt đầu xuất hiện tình trạng tiêu cực trong giáo dục. Điều làm Đại tướng băn khoăn là việc biên soạn các bộ sách giáo khoa chưa thực sự phù hợp với trình độ của các em. Đại tướng cũng căn dặn chúng tôi, là những nhà giáo xuất sắc nhất thì cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ càng để xác định chương trình biên soạn sách giáo khoa cho thật khoa học, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng, khối để các em tiếp tục học hoặc đi vào nghề nghiệp, kiên quyết khắc phục tình trạng coi nhẹ và tự phát đang phổ biến trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng Đại tướng đã dành gần một giờ trò chuyện với Đoàn. Chúng tôi được ngồi bên Đại tướng, ai cũng cảm động vì sự quan tâm của Đại tướng với Đoàn nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy, hình ảnh người anh hùng dân tộc rất thân mật, gần gũi mãi mãi là ký ức đẹp nhất trong suốt quãng thời gian 40 năm làm thầy của tôi.

HN

 

(ghi theo lời kể của Nhà giáo ưu tú Trần Đức Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Cơ bản - Trường Cao đẳng Hóa chất – nay là trường Đại học Công nghiệp Việt Trì)