banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 11/8/2017
Cập nhật lúc 09:14 ngày 12/08/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Tiền thuế không đủ bù đắp môi trường?
Tiếp tục câu chuyện về dự án này, hôm nay (11/8) báo Tiền phong khai thác thông tin xung quanh vấn đề về môi trường qua quan điểm của chuyên gia.
Là một chuyên gia kinh tế trong nhóm tư vấn chính thức về phát triển bền vững cho Hà Tĩnh, khi nhắc đến dự án (DA) khai thác mỏ sắt Thạch Khê, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu tiếp tục DA, vấn đề môi trường của thành phố Hà Tĩnh sẽ không được đảm bảo. 
GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh: “Về mặt kinh tế, môi trường, thuế tài nguyên vào đây có xứng đáng để bù đắp với thiệt hại về môi tường, thiệt hại của dân cư, cộng đồng người dân Hà Tĩnh nói riêng và lợi ích nhà nước, dân tộc nói chung hay không? Đây là câu chuyện không ai giải đáp được”.
2. Vụ 1 triệu m3 bùn thải: Bộ Công Thương cách chức một cán bộ.
Trên nhiều báo điện tử ngày 10, 11/8 đưa tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định kỷ luật viên chức quản lý đối với ông Hà Quốc Quân. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 10/8/2017.
Theo đó, kỷ luật ông Hà Quốc Quân bằng hình thức cách chức vì đã có hành vi vi phạm pháp luật là thành lập doanh nghiệp tư nhân; tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ; các hành vi nêu trên đã vi phạm các quy định về những việc viên chức không được làm và quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với viên chức.
3. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, tháo gỡ khó khăn kinh doanh dịch vụ logistics
Báo Người tiêu dùng đưa tin: Tại Quyết định số 200/QĐ-TTg tháng 02/2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu của ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam, giảm chi phí kinh doanh của ngành này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp phát triển, không đúng với tinh thần quyết định đã ban hành trước đó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải “loay hoay” tìm giải pháp giảm chi phí.Theo nhận định của các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải phải trả một khoản phí đường bộ và phí ngoài luồng quá cao nên đã phần nào ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí vận tải hiện nay của Việt Nam chiếm khoảng 60% chi phí logistics. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
3. Dân phải hít khí thải độc hại đến bao giờ?
Tiền phong phản ánh: Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 vừa được ban hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiên liệu đạt chuẩn Euro 4 vẫn chưa có. Trong khi đó, Bộ Công Thương được giao chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu theo mức 4 và 5 trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới ô tô. Trong quý IV/2017, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng và thương mại cần thiết để bảo đảm cung ứng dầu diesel mức 4 ra thị trường muộn nhất ngày 1/1/2018. Song, thực tế đến nay, 2 nhà máy lọc dầu lớn nhất của Việt Nam là Dung Quất và Nghi Sơn chưa đáp ứng được xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4. Còn nếu sử dụng toàn bộ xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4 nhập khẩu thì giá sẽ tăng cao, dẫn đến cước phí vận tải tăng, giá ô tô càng đắt đỏ. 
Đại diện VAMA cho rằng, muốn đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu xăng dầu đạt chuẩn này. Nếu không, ô tô sẽ nhanh hỏng động cơ, tuổi thọ xe kém, khí thải từ đây vẫn hủy hoại môi trường.
Với thực trạng giao thông và hạ tầng ở Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi: Dân còn phải hít khí thải độc hại đến bao giờ?
4. Cổ phần hóa vì sao chậm? Áp lực 60 nghìn tỷ đồng và sự đợi chờ từ Sabeco, Habeco
Để đẩy nhanh thoái vốn thời gian tới, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ một số giải pháp. Trong đó, giải pháp thứ nhất là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017. Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước. Theo đó, việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao.
LH (Nguồn VP Bộ CT)