banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu
Cập nhật lúc 09:27 ngày 10/08/2017
Ngày 7/8/2017, kỳ họp thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%.
Như vậy từ theo từng vùng, mức tăng lương tối thiểu sẽ từ 180.000đ - 230.000đ. Mấy năm nay việc tăng lương tối thiểu hàng năm là vấn đề tranh cãi gay gắt giữa Công đoàn (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (đại diện người sử dụng lao động), bên nào cũng đưa ra lý lẽ, dẫn chứng đề bảo vệ quan điểm của mình. 

Trở lại khái niệm "tiền lương tối thiểu", cụm từ này có từ năm 1985 tại Nghị định 235-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, khi đó quy định "Mức lương tối thiểu là 220 đồng một tháng. Mức lương này ứng với mức giá ở những vùng có giá sinh hoạt thấp nhất hiện nay. Khi nào mức giá thay đổi hoặc ở những vùng có giá sinh hoạt cao hơn thì tiền lương được tính thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt. Lương tối thiểu dùng để trả công cho những người làm công việc lao động giản đơn nhất và với điều kiện lao động bình thường". Đến năm 1993, Nghị định 26-CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp "Mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu này làm căn cứ để tính các mức lương khác của hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và để trả công đối với những người làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường" và có kèm theo thang bảng lương theo hệ số cho từng ngành nghề, công việc do Chính phủ quy định (khi đó nhóm thợ cơ khí, điện, điện tử, tin học gồm 7 bậc, bậc 1 hệ số từ 1,35 - 1,47 và bậc 7 hệ số từ 3,28 - 3,73). Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 trình Chính phủ đầu năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH định nghĩa: “Lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ”. Như vậy "Lương tối thiểu" được khẳng định là mức lương thấp nhất cho công việc bình thường nhất, không qua đào tạo và nó cũng là cơ sở để tính lương theo hệ thống thang bảng lương.
Vậy lương tối thiểu hiện nay liệu có "phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ" không? Theo nghiên cứu của Tổng Liên đoàn LĐVN và nhiều chuyên gia, dù có lý giải, viện dẫn như thế nào thì thực tế thu nhập hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 70% mức sống tối thiểu của người lao động. Cần phải tính toán cơ chế tiền lương để người lao động và gia đình họ đủ mức sống tối thiểu: ăn ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa tinh thần... và có thể tích lũy phòng khi ốm đau, hoạn nạn. Mức lương này phải được điều chỉnh  khi trượt giá để đảm bảo duy trì, cân đối cuộc sống. Khi tranh luận về tăng lương tối thiểu, phía đại diện người sử dụng lao động đưa ra các số liệu về tỷ lệ tăng lương phải tương ứng với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động... và cho rằng mức sống Tổng Liên đoàn đưa ra là tiêu chuẩn mức sống trung bình của người lao động. Chúng ta chưa xây dựng tiêu chuẩn mức sống tối thiểu (theo Chính phủ mức sống bình quân của người Việt Nam là 2 triệu đồng/ tháng), như vậy mức sống nào để người lao động có thể tồn tại, là cơ sở để yêu cầu doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp. Chính vì vậy những lý lẽ, số liệu của các bên đưa ra đều thấy có lý, thấy đúng, rất khó để dư luận đánh giá, ủng hộ và bảo vệ bên nào. 
Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt chính thức kết quả mức tăng 6,5% lương tối thiểu vùng (cho khối doanh nghiệp) vào năm 2018, cán bộ Công đoàn cần biết và tham gia khi áp dụng tại đơn vị. Trước hết cần phân biệt các khái niệm:
- Lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để làm căn cứ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động. Không được trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu (ví dụ lương tối thiểu vùng 1 hiện áp dụng 3.750.000đ/tháng, dự kiến 2018 là 3.980.000đ/ tháng).
- Mức lương cơ sở được áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức (hưởng lương theo bảng lương Nhà nước quy định) và làm căn cứ để tính các mức lương, phụ cấp trong bảng lương và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật với các đối tượng theo quy định (ví dụ lương cơ sở từ 1/7/2017 là 1.300.000đ). 
- Lương cơ bản do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động được ghi cụ thể trên HĐLĐ là cơ sở để tính tiền công, tiền lương thực lĩnh của người lao động trong chính doanh nghiệp đó (Trước năm 2015, thuật ngữ lương cơ bản dùng để phản ánh khoản lương đóng BHXH, không tính các khoản trợ cấp, phụ cấp khác). Doanh nghiệp xác định lương cơ bản phải đảm bảo không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đó), đối với lao động đã qua học nghề thì phải được cộng thêm tối thiểu 7% lương tối thiểu. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương theo thang bậc lương Nhà nước quy định thì mức lương Cơ bản = Mức lương cơ sở  x  Hệ số lương + Phụ cấp chức vụ (nếu có).
Theo khảo sát, đa số các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện lương thực lĩnh cao hơn so với lương cơ bản (dùng làm căn cứ đóng BHXH). Vì vậy khi tăng lương tối thiểu vùng mà không tăng lương thực lĩnh thì không có giá trị gì với người lao động, thậm chí lương thực lĩnh còn giảm đi. Ví dụ: Lương thực lĩnh của người lao động tại một doanh nghiệp là 5,5 triệu, trong đó lương cơ bản (cơ sở đóng BHXH) là 4 triệu, còn lại là tiền trợ cấp đi lại, nhà ở, chuyên cần... Nếu năm 2018 người lao động vẫn nhận mức lương 5,5 triệu thì số thực lĩnh sẽ giảm vì đóng BHXH sẽ tăng theo mức tăng lương tối thiểu (chưa kể từ 01/01/2018 mức đóng BHXH sẽ là lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác). Như vậy để tăng mức sống thực tế nhất thiết phải đấu tranh để tăng mức lương thực lĩnh. Hiện tại nhóm lao động hưởng lương thấp còn nhiều, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương tối thiểu vẫn được sử dụng để xây dựng hệ thống tiền lương nói chung, phần lớn người lao động chỉ hưởng mức lương cao hơn một chút so với lương tối thiểu. Do đó, vai trò của lương tối thiểu vẫn quan trọng và là cơ sở để bảo vệ người lao động.
Người sử dụng lao động đưa ra lý do muốn tăng lương cần phải tăng năng suất lao động (hiện nay năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển). Trên ti vi vừa rồi có đưa một ví dụ: Cùng làm nghề lái xe nhưng ở Anh, cơ sở hạ tầng, đường giao thông tốt, chất lượng xe tốt, xe chạy nhanh, an toàn, mỗi ngày chạy được hàng ngàn km, lái xe lương cao. Ngược lại ở Ấn Độ, đường kém, người đông, phương tiện tham gia giao thông lộn xộn, xe cũ nát, xe chạy chậm, mỗi ngày chỉ chạy được vài trăm km, lái xe rất vất vả mà lương lại thấp. Điều này không thể nói lái xe ở Ấn Độ trình độ kém, năng suất thấp. Vì vậy tăng năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, thiết bị đầu tư mà người sử dụng lao động quyết định, không thể chỉ đổ lỗi cho người lao động. Hàng loạt các vấn đề như lãi suất ngân hàng, thuế, thủ tục hành chính... ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp không thể từ phía người lao động mà ở sự quản lý của Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Theo khảo sát, tỷ lệ làm thêm giờ ở Việt Nam khá cao và hầu hết ở các doanh nghiệp. Khi được hỏi tại sao người lao động lại muốn làm thêm giờ? Hầu hết đều trả lời vì cần tăng thêm nhu nhập. Nếu không làm thêm giờ, lương khó đủ sống. Nhiều báo cáo và số liệu điều tra của Tổng Liên đoàn đề cập vấn đề này và thực tế đời sống của người lao động hiện nay đã minh chứng. Khi đã không đủ sống (tức là chưa ăn no, mặc ấm) thì làm sao nói đến thiết chế văn hóa, học tập nâng cao. Thử hình dung ngày đi làm 12 tiếng, phòng ở nhà cấp 4 nóng bức, ăn vội bát mỳ tôm rồi lăn ra ngủ, người lao động lấy đâu ra sức để duy trì và tái tạo sức lao động, điều kiện nào để cải thiện đời sống tinh thần. Nếu lương đảm bảo đời sống, có bao nhiêu người muốn đi làm thêm ? Ai cũng mong muốn được làm việc, được nghỉ ngơi, được tham gia các hoạt động xã hội hữu ích... nhưng để kiếm sống bắt buộc họ phải vùi đầu vào làm, làm và làm. 
Một lý do nữa mà người sử dụng đưa ra đó là kinh phí Công đoàn 2% mà doanh nghiệp trích chuyển cho Công đoàn cơ sở. Khi tăng lương tối thiểu tức là khoản kinh phí này cũng tăng, gây khó cho doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp không có lãi. Cần phải hiểu kinh phí Công đoàn được trích theo quy định pháp luật và phần lớn kinh phí này dùng để chăm lo cho người lao động ngay tại đơn vị. Công đoàn tổ chức phong trào thi đua, sáng kiến tiết kiệm (mang lại lợi ích cho doanh nghiệp), tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng (việc mà nhiều doanh nghiệp không quan tâm) người lao động có những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn để lại làm việc tốt hơn, gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn. Tức Công đoàn đang "làm thay" (hay nói cách khác là trợ giúp tích cực) doanh nghiệp, góp phần ổn định quan hệ lao động, kích thích hoạt động của doanh nghiệp từ phía người lao động.
"Lương tối thiểu" vẫn là vấn đề phức tạp cần tiếp tục tham gia vào cuộc của các phía trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích. Song yếu tố quan trọng là Con Người. Nếu thật sự coi Người lao động là tài sản, là nguồn lực, Doanh nghiệp và cả Công đoàn cần trân trọng và có thái độ đúng đắn khi quyết định những vấn đề liên quan đến người lao động. 
Nguyễn Xuân Thái