banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 21/7/2017
Cập nhật lúc 05:34 ngày 22/07/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Băn khoăn chuyện 'giải cứu' xăng E5.
Tiền phong viết: Từ ngày 01/01/2018, các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5 A92 và xăng khoáng A95, còn xăng khoáng A92 chính thức bị khai tử. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, chi phí sản xuất ethanol hiện nay khá cao. Nếu không có biện pháp, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi khi buộc phải dùng xăng E5.
Thông tin từ các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối, để triển khai lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5, các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, chưa kể phải tốn một khoản tiền không nhỏ khi chuyển đổi sang kinh doanh E5. 
Một chuyên gia về xăng dầu cũng cho rằng, bên cạnh xóa sổ xăng A92, đưa xăng E5 vào thay thế còn có câu chuyện liên quan đến hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Phước của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phải dừng sản xuất, đắp chiếu thời gian qua do chi phí tăng cao, giá thành cao và thua lỗ lớn. Hai nhà máy này nếu đưa vào khởi động trở lại vào cuối năm 2017 như đề xuất mới đây của Bộ Công Thương sẽ giúp cung ứng cho thị trường khoảng 200.000m3/năm. Cũng theo chuyên gia này, dù khởi động lại hai dự án này, việc duy trì hoạt động của hai nhà máy sẽ là bài toán rất lớn. 
Phải tính toán cẩn thận theo cả hai chiều lợi và hại là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Phan Thế Ruệ. Theo ông Ruệ, khi triển khai rộng sẽ nảy sinh câu chuyện nếu ethanol do các nhà máy trong nước sản xuất bán giá cao hơn giá nhập khẩu thì sẽ bị các DN xăng dầu đầu mối quay lưng. Điều này là dễ hiểu do cơ chế thị trường khó có thể bắt DN phải mua nguồn trong nước nếu nguồn trong nước đắt hơn nhập khẩu. Chưa kể, hiện ethanol trong nước được làm từ sắn trong khi ở nước ngoài họ sản xuất chủ yếu bằng ngô.
Cũng theo Chủ tịch VINPA, nhiệm vụ của Bộ Công Thương không phải là khôi phục các nhà máy ethanol nghìn tỷ đắp chiếu thời gian qua để tạo nguồn cung cấp cho các DN đầu mối bằng mọi giá. Chưa kể, dù có khôi phục các nhà máy bằng mọi giá nhưng với công nghệ của các nhà máy, với cách làm ethanol của các DN hiện nay sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi với nước ngoài. 
2. Không nên duy trì giá điện rẻ
Thời báo Kinh tế Sài Gòn phân tích: Giá điện rẻ không khuyến khích đầu tư vào ngành điện mà lại thu hút các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng và sử dụng điện không hiệu quả.
Giá cả điện, một sản phẩm quan trọng cho nền kinh tế vẫn thuộc độc quyền nhà nước. Hiện nay, Bộ Công Thương quy định giá quá rẻ nên chủ yếu chỉ có nhà nước là người sản xuất và đầu tư chính. Do giá rẻ, Việt Nam trong nhiều năm nay đã là nơi hấp dẫn công nghệ gây ô nhiễm từ Trung Quốc như sản xuất thép, aluminium... Cũng vì giá rẻ, sử dụng điện quá lớn, do đó yêu cầu đầu tư về điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng vượt khả năng của nền kinh tế và ngân sách. Và cuối cùng, cũng vì duy trì giá rẻ, nên chỉ có thể tăng sản xuất điện bằng nhà máy dùng than, gây thêm ô nhiễm.
LH (Nguồn VP Bộ CT)