banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng: Bám sát 3 chức năng để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
Cập nhật lúc 03:03 ngày 06/12/2013

Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng là đơn vị có nhiều loại hình doanh nghiệp tập trung cho sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu trên địa bàn. Số lao động, đoàn viên công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn Ngành tập trung phần lớn ở khối da giày, dệt may với số lao động chiếm trên 78% tổng số lao động trong toàn Ngành.

Xuất phát từ thực tế của Công đoàn Ngành và hoạt động tại Công đoàn cơ sở do tác động của nhiều yếu tố: thời gian hoạt động Công đoàn chủ yếu ngoài giờ làm việc; sức ép của vấn đề việc làm, tiền lương đối với người lao động rất lớn; trình độ hiểu biết của người lao động về pháp luật lao động và Công đoàn còn hạn chế. Đòi hỏi CĐ ngành phải có phương pháp hoạt động phù hợp thì mới thu hút được đông đảo công nhân, lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Bám sát ba chức năng của tổ chức Công đoàn, trên cơ sở thực tiễn hoạt động, Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng đã thực hiện một số giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

Với chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động:

Công đoàn đại diện người lao động thương lượng ký thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Hướng dẫn giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật với đầy đủ quyền lợi được pháp luật quy định. Giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động như tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và các phúc lợi xã hội khác, v.v... Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi về kinh tế, Công đoàn ngành còn quan tâm bảo vệ cả quyền lợi chính trị, tinh thần của người lao động như tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, thăm hỏi động viên, giúp đỡ công nhân, lao động lúc khó khăn, hoạn nạn.

Với chức năng tham gia quản lý:

Công đoàn ngành đã tổ chức, vận động công nhân, lao động thi đua sản xuất, chấp hành tốt nội quy, kỷ luật lao động; tham gia xây dựng hệ thống các nội quy, quy chế trong đơn vị nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động. Đại diện cho công nhân, lao động, thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể sao cho lợi ích của người lao động đạt mức cao nhất. Tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người lao động đúng trình tự của pháp luật, giải quyết các tranh chấp lao động. Thường xuyên quan tâm giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể cũng như các chính sách liên quan đến người lao động. Đại diện người lao động tham gia đề xuất, kiến nghị giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc.

Với chức năng tuyên truyền, giáo dục công nhân lao động:

Công đoàn tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của công nhân, lao động như Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật doanh nghiệp, các văn bản dưới luật, các quy trình, quy phạm trong sản xuất, nội quy của doanh nghiệp, làm cho công nhân, lao động nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nắm vững các chính sách, luật pháp cũng như chủ trương phát triển của Ngành, của doanh nghiệp để tự giác chấp hành pháp luật và tự bảo vệ mình trước pháp luật. Tuyên truyền cho công nhân, lao động nhận thức được trách nhiệm và lợi ích của cá nhân mỗi người gắn liền với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; muốn có lợi ích, công nhân, lao động phải thực hiện tốt nghĩa vụ, làm tròn trách nhiệm của mình, tích cực học tập nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện, qua đó giáo dục cho người lao động tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hướng tới những giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc và nhân loại, đặt lợi ích riêng của mỗi người trong lợi ích chung của doanh nghiệp, của Ngành, của đất nước.

 

Mai Nguyễn