banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 01/6/2017
Cập nhật lúc 08:40 ngày 02/06/2017

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin cụ thể như sau:

Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Bất thường từ những khoản đội vốn khủng.


Tiếp tục phản ánh về vấn đề này, Bài 3 trong loạt bài dài kỳ, Tiền phong nhấn mạnh: Sau khi “đầu xuôi đuôi lọt” ở các phần đấu thầu, nhà thầu EPC bắt tay triển khai thì các dự án đều đội vốn, có dự án vốn đội lên hàng nghìn tỷ đồng. Tính riêng với 4 dự án sản xuất đạm và phân bón của ngành hóa chất và thép đã đội vốn cả chục nghìn tỷ đồng với những dấu hiệu bất thường.

Một trong số các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ có nhiều sai phạm trong quản lý, đầu tư và thực hiện hợp đồng EPC của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải kể đến trường hợp của Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát số 2 của Công ty cổ phần DAP số 2 tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Đây là dự án có vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng và được khởi công tháng 12/2011 từng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hồi tháng 11/2016 yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo làm rõ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến một số sai phạm được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán.

Giá dầu châu Á sụt giảm do lo ngại dư cung 

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore ngày 31/5, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm xuống 51,32 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ cũng giảm xuống 49,14 USD/thùng.

Giá dầu trên thị trường châu Á đã giảm hơn 1% trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu tại Libya gia tăng làm dấy lên quan ngại về triển vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác "vàng đen" của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Nắng nóng, EVN HANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện an toàn 

Ngày 31-5, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, do vùng thấp nóng phía Tây mạnh dần và cường độ ngày càng gia tăng, dự báo nhiệt độ Hà Nội trong vài ngày tới sẽ tăng lên mức 36 độ C, sau đó từ 1 và 2-6, tăng tiếp lên 37-38 độ C. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa

Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần…

Tại Hội thảo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10%/năm giai đoạn 2011-2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần.

So với các nước đang phát triển trong khu vực thì Malaysia cao gấp 6,5 lần, Thái Lan và Philippines cao gấp 1,5 lần.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỉ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015.

“Hiện Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người. Đây là vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa”, Thứ trưởng Hưng nói.

Nói về nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Việt Nam chậm và chưa bền vững, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết có 5 nguyên nhân chính.

Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ, lao động có kỹ năng. Đóng góp của công nghệ với năng suất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, chỉ bằng 10%, của toàn nền kinh tế là 29%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn như Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippines (70%), Malaysia (64%)…

Một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là dệt may, điện tử, hóa chất…Trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ 5-10%. Chính vì vậy, công nghiệp Việt Nam đạt thành tích lớn về quy mô sản xuất nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.

Nguyên nhân thứ ba, công nghiệp là ngành liên tục nhập siêu. Điều này chứng tỏ, công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới. Năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử gia dụng là 30- 35%, điện tử chuyên dụng chỉ 5%, ô tô – xe máy 40%.

Bên cạnh đó, việc một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động chưa cao, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng cũng khiến cho nền công nghiệp đất nước ngày càng thụt lùi.

Ngoài ra, đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp…

Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” và trình Chính phủ trong tháng 6/2017. Bộ đã xây dựng xong dự thảo với 8 nội dung chính và đang lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, bộ ngành, hiệp hội.

Các nội dung chính bao gồm: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp tư nhân; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI; dịch chuyển dần các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên và lao động từ các trung tâm kinh tế lớn về các địa phương khác và thay thế bằng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ và chất xám; hình thành các cụm ngành chuyên môn hóa phát triển các ngành công nghiệp….

Xem chi tiết tại đây

LH (Nguồn VP Bộ CT)