banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Công nhân Việt Nam trước Cách mạng 4.0
Cập nhật lúc 09:55 ngày 30/05/2017

“Bọn cháu không có tiền về quê ăn Tết, chẳng biết làm sao nên rủ nhau đi cướp. Dạ đây là lần đầu ạ”.

Đó là lời khai báo với công an của bốn thanh niên trẻ bị bắt tại Bình Dương ngày 22/1/2011. Bốn thanh niên, người lớn nhất 25 tuổi, người nhỏ nhất mới 18, đều quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh, vào các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương làm công nhân. Họ phạm tội lần đầu, và hôm ấy, là ngày 27 tháng Chạp.

Giai đoạn đó, theo một nghiên cứu do Viện dân số và các vấn đề xã hội thực hiện, mỗi năm có khoảng nửa triệu thanh niên di cư đến các thành phố để kiếm sống. Trong đó, 52% ở độ tuổi từ 18 đến 25, tức là độ tuổi của 4 thanh niên bị bắt ở Bình Dương.

Theo nghiên cứu của viện này, đời sống của những thanh niên này tương đối bế tắc. 70% chỉ có một phương tiện giải trí là nghe đài và xem TV. 58% tin rằng họ sẽ không có cơ hội để nâng cao trình độ phát triển.

Khảo sát về lương công nhân năm 2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Nhiều người trong số họ chọn những giải pháp tồi để giải quyết sự bế tắc. “Trên thực tế ở nhà quê họ là người thật thà nhưng cuộc sống đô thị đã xô đẩy họ. Nhiều khi việc làm khó kiếm, không có thu nhập nên làm liều rồi quen” - nghiên cứu trích lời một lãnh đạo công an quận.

Thời điểm đó, trước vụ ăn cướp của 4 công nhân, Đài tiếng nói Việt Nam đặt ra một vấn đề: sẽ ra sao nếu 4 người này không bị bắt?

Câu trả lời giả thiết được đưa ra, là “hành động đó có thể được lặp lại, và đó là con đường khá truyền thống để hình thành những băng nhóm tội phạm”. Cơ quan này, từ vụ việc có thể xem là nhỏ này (nếu chỉ xét đến mức độ tội phạm trên mặt bằng xã hội), khẳng định rằng “tình trạng bất ổn từ đời sống của lao động nhập cư đang là một vấn đề quan trọng của xã hội”.

Đó là chuyện của năm 2011. Cho tới cuối năm đó, cả nước có xấp xỉ 1.000 vụ đình công diễn ra, một kỷ lục từ khi Luật lao động có hiệu lực, cao gấp 2,5 lần so với năm trước đó. Lý do chính, được cho là bởi tiền lương. Một năm đầy biến động của giới công nhân Việt Nam.

Hai năm sau đó, nước Đức giới thiệu khái niệm “Cách mạng 4.0”. Nó được thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh tại Diễn đàn Davos năm 2015, và nay trở thành một khái niệm thời thượng trên quy mô toàn cầu.

Cuộc cách mạng này được cho là một mối đe dọa với lực lượng lao động phổ thông - đặc biệt là những người đang làm việc trong các nhà máy gia công, một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đặc trưng của cuộc cách mạng 4.0 là nhiều công đoạn của quá trình sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc.

Và câu hỏi đặt ra: là trước và sau Cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng công nhân Việt Nam thay đổi ra sao?

Nhiều quán karaoke ở quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long được thiết kế khá riêng, để có thể chứa được hơn 20 người. Tức là toàn bộ một dây chuyền sản xuất, và đôi lúc, bạn bè của họ, chia sẻ chung một phòng hát. Bằng một cách nào đó, họ xoay sở để phần lớn mọi người đều được cầm vào mic cho tới cuối buổi hát.

Khung cảnh ấy rất đặc trưng cho đời sống tinh thần của các nữ công nhân tại khu công nghiệp này. Phần còn lại của cuộc sống, họ quay quắt giữa nhà máy và phòng trọ, giữa những bữa cơm nấu vội và các giờ làm thêm - hay gọi là “làm âu” theo cách của công nhân (chệch đi từ overtime).

Với các hệ thống chính sách hiện tại, với đãi ngộ, thời gian biểu và mặt bằng xã hội, để những công nhân này tìm thấy một cơ hội nào đó nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, họ thường chỉ tìm thấy ở những chỗ như thế.

Nâng cấp đáng kể nhất với lực lượng công nhân nước ta kể từ năm 2011, là vài lần tăng lương. Lương tối thiểu vùng 1 đã tăng từ 1,35 triệu lên 3,75 triệu đồng. Đó là khoảng thu nhập của Lâm. Cô là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Gia đình Lâm sống trong một căn phòng trọ 10 mét vuông cách KCN ba cây số. Giá thuê gần một triệu đồng. Phòng trọ nóng bức, chỉ đủ kê chiếc giường cũ, một chiếc tủ tôn và một lối đi nhỏ cho 3 người lớn. Những bức tường quét vôi ngấm nước loang lổ. Cô từng thử tìm một chỗ “sạch sẽ hơn”, nhưng không thể chịu được mức giá một triệu hai.

Bốn người, gồm hai vợ chồng, một đứa con nhỏ và bà ngoại ở quê lên chăm cháu cùng trông vào tổng thu nhập 8 triệu đồng của hai vợ chồng. Chồng Lâm làm công nhân phân luồng giao thông, mỗi tháng kiếm khoảng 4 triệu.

Tăng lương lên tận hơn 2 triệu đồng, không tỏ ra là một phương pháp thay đổi chất lượng sống của lực lượng công nhân.

Các phép tính trong câu chuyện của họ gồm mì tôm và rau muống. Lâm đo lường giá cả bằng rau muống. Còn Thế - chồng cô - tính toán số tiền đưa vợ nuôi con dựa trên lượng mì tôm mà anh ta ăn. Họ hoàn toàn không có tích lũy về tài chính.

Mẹ của Thế, bà Hằng, nói mình thấy xót ruột, khi nhìn cuộc sống của các con. Bà tin rằng sống thế này thì ở quê còn đỡ khó khăn hơn.

Đó là một khung cảnh quen thuộc, có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ngoại thành Hà Nội. Bạn có thể gặp vợ chồng Hồng-Dũng, đều 25 tuổi. Tổng thu nhập của họ: 8 triệu đồng. Cũng không có tích lũy. "Mức tăng lương 100.000 đồng/tháng là quý lắm rồi”, Dũng nói.

Trong cách mạng 4.0, nhiệm vụ đặt ra với những người vẫn còn trẻ này là “nâng cao trình độ tay nghề kỹ thuật”. Theo ước tính của Đại học Oxford, thì có tới 47% công việc ngày hôm nay sẽ có tỷ lệ tự động hóa 75% trong 20 năm tới. Hồng-Dũng, Lâm-Thế đều ở tuổi đôi mươi, ngay cả khi cách mạng đã đi qua, họ vẫn còn tuổi lao động, thậm chí là khá nhiều năm lao động phía trước.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những người này - lực lượng lao động có trình độ thấp - cần được “đào tạo lại, đào tạo bổ sung” để đuổi kịp cách mạng 4.0.

Họ sẽ tham gia vào quá trình “nâng cao trình độ kỹ thuật” ấy ra sao?

Hãy gặp Thảo và các bạn. Giai đoạn 2015-2016, Thảo là trưởng một dây chuyền lắp ráp điện tử, dưới quyền có tới hơn 20 nhân sự. Thu nhập của cô không tồi nếu so với mặt bằng của KCN Bắc Thăng Long nói riêng và lao động di cư nói chung, khoảng 8 triệu.

Bạn có thể sẽ gặp Thảo và các đồng nghiệp trong dây chuyền của cô tại một quán lẩu vịt phía ngoài KCN. Lẩu vịt là món ăn phổ biến và được ưa chuộng vì so với phần lớn các món thịt có thể liên hoan khác, vịt rẻ nhất. Mỗi ba tháng, nhà máy sẽ cho dây chuyền 3 triệu để liên hoan, Thảo có trách nhiệm giải ngân chúng - như một hoạt động “team-building” - thường là ở quán lẩu vịt và sau đó kết thúc ở quán karaoke. Những quán karaoke có phòng hát chứa được hơn 20 người.

Quyên, một nhân viên trong dây chuyền của Thảo. Mỗi sáng, cô đối mặt với một lịch trình quen thuộc. Tan ca khoảng 6 giờ tối, cô nấu vội một bữa - với một mớ rau và một lạng rưỡi thịt - cho cả tối hôm đó và sáng hôm sau, rồi lại quay về nhà máy “làm âu”. Với mức lương tối thiểu vùng hiện nay, “làm âu” là phương pháp duy nhất duy trì thu nhập của những công nhân này.

Quyên quê ở Yên Bái, có bằng cử nhân sư phạm Toán, lựa chọn trở thành công nhân như một tất yếu: một suất hợp đồng trong trường huyện được “phát giá” 300 triệu đồng; và cô thì còn nợ hơn 30 triệu tiền vay chính sách để học đại học. Quyên làm công nhân để trả nợ.

Bản thân Thảo cũng có bằng cao đẳng. Một giai đoạn, cô chia sẻ phòng trọ với Huệ - cử nhân triết học của Đại học KHXH&NV. Huệ bị từ hôn, dù hai nhà đã dạm ngõ. Dù cô không thừa nhận, nhưng Thảo tin rằng lý do là bởi cô đi làm công nhân, rằng nhà trai, một gia đình nông thôn, không chấp nhận cô gái một mình sống trọ ở một “môi trường phức tạp” như khu trọ công nhân.

Đột phá tinh thần của họ dừng lại ở các quán lẩu vịt và những phòng hát karaoke 20 người, đôi lúc là các buổi shopping ở khu chợ gần đó, với những quầy dài hàng chục mét xếp đầy giày dép và quần áo giá rẻ từ Trung Quốc.

Phía Nam là sông Hồng, phía Bắc là đại lộ Thăng Long mênh mông, họ ở giữa, trong một khu đô thị được hình thành để phục vụ công nhân. Không bàn tới vật chất, đời sống tinh thần của họ cũng bị bào mòn.

Một bữa ăn của 3 nữ công nhân gồm: canh xương cục, rau xào và đậu luộc

Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực lao động di cư, than thở rằng rất khó để tổ chức các chương trình cải thiện kiến thức hay kỹ năng sống cho công nhân. Miễn phí cũng không. Các chủ nhà máy không có xu hướng hợp tác: họ cần công nhân về nhà đi ngủ, để có thể tái tạo sức lao động cho mình.

Quyên, Thảo hay Huệ thực chất đã được đào tạo để trở thành một phần của nền kinh tế tri thức. Nhưng họ không thể tìm thấy cơ hội, và đành tham gia vào nền kinh tế gia công.  Và đa số họ, gần như không có cơ hội để tham gia vào một quá trình “đào tạo lại” nào để chờ “cách mạng”.

"Đây là cơ hội mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại"  - Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Công Thương

Đó là cách nhìn nhận của Lãnh đạo Bộ Công Thương về những biến động mà Cách mạng 4.0 có thể sẽ mang tới.

“Chính phủ cần một chương trình hỗ trợ riêng, tập trung vào việc nâng cao trình độ và tay nghề, kiến thức chuyên sâu của nhóm đối tượng này”, ông Trần Việt Hòa - Phó Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ của Bộ Công Thương, đề xuất khi nói về lực lượng lao động giản đơn.

Có thể bắt gặp ý kiến của nhiều chuyên gia về “đào tạo lại” cho công nhân như một giải pháp đối mặt Cách mạng 4.0.

Tìm ra cơ hội “nâng cao trình độ tay nghề” cho lực lượng công nhân đang tính toán từng gói mì và từng trăm nghìn đồng tất nhiên không phải vấn đề dễ dàng.

Khảo sát mới nhất về tiền lương vào tháng 3/2017, cho thấy 33% lao động cho biết thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ; 12% thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm. Chỉ 16% có thu nhập dôi dư nằm trong nhóm công nhân mỏ, khai khoáng.

Dây chuyền các cô gái vui tươi của Thảo trong quán lẩu vịt của năm 2016, đã “thay máu” theo những con đường riêng. Họ về quê lấy chồng, tiếp tục tham gia vào lực lượng nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ. Họ đi xuất khẩu lao động.

Một khảo sát khác của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với công nhân ngành dệt may, giày da vào năm 2015, năm mà bà Angela Merkel đem khái niệm “Cách mạng 4.0” tới Diễn đàn Davos, cho kết quả: 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy.

 

Một công nhân Bắc Thăng Long tự cắm ống truyền trong ký túc xá của nhà máy

Hàng triệu công nhân cả nước, cùng với tích lũy trình độ, trí tuệ và sức lao động của họ, không chỉ được điều chỉnh bởi “giáo dục”. Họ là kết quả của một loạt hệ thống chính sách liên quan đến tiền lương, giờ làm, y tế, nhân khẩu...

Trong lúc đó, ở Đức, chính phủ nước này sẽ đổ ra khoảng 40 tỷ euro mỗi năm cho Cách mạng 4.0, tới 2020. Mục tiêu của các quốc gia giàu có này: Tự động hóa sản xuất, để cạnh tranh với chính lực lượng lao động giá rẻ từ những công xưởng thế giới như Việt Nam. Quyên, Thảo, Lâm, Hồng - trong tương lai sẽ cạnh tranh trực tiếp với một lực lượng rô-bốt trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Và biến động lớn nhất họ thường xuyên phải lo nghĩ, vẫn là Tết, chứ không phải “Cách mạng 4.0”. Quyên kể rằng, có những năm, sau Tết, toàn bộ tiền trong nhà cô chỉ còn đủ để mua đúng một tấm vé xe về Hà Nội.

Guồng quay của cô gái tuổi 20 bên dây chuyền nhà máy lại tiếp tục. Sự đầu tư cho những người như cô, đang dừng lại ở dạng bản thảo.

Nguồn VnExpress