banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
NHÂN KỶ NIỆM 10 NĂM CĐCTVN: Công đoàn Công nghiệp Việt Nam - Một thời để nhớ
Cập nhật lúc 09:10 ngày 26/05/2017

Thành lập ngày 05/4/1997, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam tồn tại đến tháng 10/ 2007 và sau đó hợp nhất với Công đoàn Thương mại Du lịch Việt Nam trở thành Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện nay. Trong 10 năm hoạt động, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã mang lại niềm tin yêu của đoàn viên và người lao động với tổ chức Công đoàn.

Năm 1995, Quốc hội quyết định tái thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ và Năng lượng. Sau khi thành lập, trong Bộ Công nghiệp có 5 Công đoàn Ngành trực thuộc Tổng Liên đoàn, đó là các công đoàn: Cơ khí - Luyện kim, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ, Hóa chất, Mỏ-Địa chất. Để phù hợp với mô hình hoạt động theo ngành nghề, Tổng Liên đoàn LĐVN đã xây dựng đề án và quyết định thành lập Công đoàn Công nghiệp Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 5 công đoàn trong cùng Bộ Công nghiệp.

Đại hội Đại biểu Công đoàn Công nghiệp Việt Nam lần thứ Nhất

Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã tiếp nhận và quản lý trực tiếp 23 Công đoàn Tổng công ty và 24 công đoàn cơ sở với số lượng trên 500.000 lao động, phối hợp chỉ đạo 26 công đoàn cơ sở (chuyên môn thuộc Bộ Công nghiệp,  Công đoàn trực thuộc LĐLĐ địa phương), phối hợp chỉ đạo ngành nghề với 25 công đoàn Ngành tỉnh, thành phố.  

Ngay sau khi thành lập, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn trong Ngành thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, duy trì phát huy những thành quả tốt đẹp từ các Công đoàn Ngành được hợp nhất. Các cấp công đoàn từ cơ sở đến ngành phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng quy định, quy chế hoạt động, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, ngành, địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức phong trào thi đua, tham gia giải quyết những vướng mắc của người lao động..., Công đoàn đã góp phần tích cực vào sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, kết hợp hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người lao động,  được người lao động, lãnh đạo chuyên môn các cấp nhiệt tình ủng hộ và đánh giá cao. Nếu năm 1999 có 60% CĐ TCty, 80% CĐCS ký Thỏa ước LĐTT thì đến năm 2004 đã có 100% CĐ TCty và gần 90% CĐCS ký Thỏa ước LĐTT. Trong 5 năm nhiệm kỳ 1998 - 2003 đã kết nạp được trên 55.900 đoàn viên mới, giới thiệu 9.532 đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp.

Thành công cần nói đến của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, đó là công tác tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn các cấp. Khi thành lập với bộ máy quản lý và cán bộ công đoàn chuyên trách từ 5 Công đoàn Ngành, cần giải quyết làm sao  hợp lý, hợp tình, đảm bảo quyền lợi tối đa cho cán bộ. Việc thu gọn đầu mối, sáp nhập và tăng quyền chủ động cho công đoàn cấp trên cơ sở đã giải quyết cơ bản và thuận lợi về bộ máy và cán bộ ở các cấp công đoàn thuộc Công đoàn Công nghiệp thời kỳ đó. Sau hơn một năm nhiệm kỳ lâm thời, tháng 7/ 1998 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu BCH nhiệm kỳ 1998 - 2003 gồm 45 người, ông Vũ Tiến Sáu được bầu tái cử giữ chức Chủ tịch. Lúc đó toàn Ngành có 319 người (kể cả hợp đồng lao động), số lượng cán bộ chuyên trách khá lớn hưởng lương từ ngân sách Công đoàn. Tại có quan Công đoàn Ngành có 28 người, cơ quan CĐ cấp trên cơ sở 85 người, ở CĐCS 206 người. Một số CĐ Tcty có số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách (cả cơ quan CĐ TCty và CĐCS) lớn: CĐ Than 109 người, CĐ Dệt May 43 người, CĐ Hóa chất 25 người, CĐ Xây dựng công nghiệp 26 người còn các CĐ Tcty đều có trên dưới 10 người.

Hội nghị Ban Chấp hành CĐCNVN lần thứ 6 (Khóa II)

Chỉ tồn tại trong 10 năm (đến tháng 10/2007), song thời gian đó Công đoàn Công nghiệp Việt Nam có nhiều thay đổi, biến động về tổ chức bộ máy, điều chỉnh một số chức năng nhiệm vụ. Những năm 2000 là thời kỳ chuyển đổi sắp xếp mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi hình thức sở hữu sang công ty cổ phần, liên kết. Trong ngành Công nghiệp thực hiện rất quyết liệt việc chuyển đổi này. Sự thay đổi của hệ thống tổ chức quản lý chuyên môn tác động đến hệ thống tổ chức Công đoàn.

Năm 2001, Tổng Liên đoàn quyết định chuyển Công đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Tổng Liên đoàn. Các CĐ Tcty đều sắp xếp chuyển đổi CĐCS trực thuộc phù hợp với mô hình mẹ-con của cơ quan chuyên môn. Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã quyết định giải thể 3 CĐ TCty: Da Giầy Việt Nam, Nhựa Việt Nam, Sành Sứ Thủy tinh Việt Nam, tách CĐ TCty Rượu Bia Nước giải khát Việt Nam thành 2 CĐ TCty Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn. Năm 2006, CĐ Than-Khoáng sản Việt Nam chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn, Công đoàn Cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam chuyển về trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam. Năm 2007 CĐ Dệt May Việt Nam về trực thuộc Tổng Liên đoàn. Chuyển giao hoặc tiếp nhận nhiều CĐCS từ các LĐLĐ địa phương. Cho đến khi hợp nhất với Công đoàn Thương mại Du lịch Việt Nam, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam quản lý trực tiếp 14 CĐ cấp trên cơ sở và 62 CĐCS, phối hợp chỉ đạo 15 CĐCS, 24 CĐ Ngành tỉnh, thành phố.

Dù phải luôn sắp xếp mô hình tổ chức, chuyển dịch, bàn giao, tiếp nhận và đặc biệt giải quyết biên chế bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nhưng trong cả thời gian tồn tại Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt công tác tổ chức của mình. Không có đơn từ khiếu kiện từ tập thể, cá nhân; không có phản ứng, bất đồng ý kiến trong nội bộ, trong cán bộ công nhân viên, đoàn viên. Tinh thần đoàn kết, gắn bó được tập thể và từng cá nhân của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam coi trọng và chấp hành bằng sự nhiệt tình, tính tự giác cao.   

Trong gần hai nhiệm kỳ, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của mình, luôn là đơn vị dẫn đầu trong các công đoàn ngành trung ương trực thuộc Tổng Liên đoàn. Nhiều CĐ Tcty, CĐCS có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng, Tổng Liên đoàn tặng Cờ, Bằng khen nhiều năm liền. Năm 2003 Công đoàn Công nghiệp Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng nhất. Uy tín và phạm vi hoạt động của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam được mở rộng, không ngừng nâng cao trong nước và quốc tế.

Nhân Hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Công đoàn Công Thương Việt Nam (01/11/2007-01/11/2017) và kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Công nghiệp Việt Nam (05/4/1997) - một trong những Công đoàn tiền thân của Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện nay, xin điểm lại một số nét nổi bật trong thời gian hoạt động, tồn tại của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam.

 Nguyễn Xuân Thái