banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 27/4/2017
Cập nhật lúc 10:01 ngày 27/04/2017

Thiên Ngọc Minh Uy lại "đẻ" ra công ty Nhã Khắc Lâm là thông tin được phản ánh Bản tin Tài chính Kinh doanh phát lúc 7h sáng ngày 27/4 trên kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo đó, một ngày sau thông báo của Bộ Công Thương về việc xin chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, nhiều người tham gia hệ thống đã cho biết, sắp tới mọi hoạt động bán hàng đa cấp sẽ được chuyển cho Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm. Đây là chia sẻ của người đại diện của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ở địa bàn Hưng Yên. Theo người này, có thể làm được thủ tục thay đổi hợp đồng từ Thiên Ngọc Minh Uy chuyển sang Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm.

Đáng chú ý, trên trang điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh ngày 13/4, có thông báo về việc sau một thời gian ngừng hoạt động, Công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam lại bỗng chốc hoạt động bán hàng đa cấp trở lại. Công ty này đăng ký dưới cái tên mới là Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thịt heo Việt Nam rẻ nhất thế giới, ai hưởng lợi; Bộ Công Thương Việt Nam ký kết nhiều văn kiện quan trọng cùng Bộ Công Thương Lào; Than, khí tăng giá khiến EVN 'đội' chi phí sản xuất thêm 7.200 tỷ.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Thịt heo Việt Nam rẻ nhất thế giới, ai hưởng lợi?


Việc gắn kết hệ thống phân phối nông sản và thịt heo đang có vấn đề. Người tiêu dùng vẫn phải chi một số tiền lớn, trong khi giá heo hơi bán tại trang trại hiện đã ở mức rất thấp, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là người nuôi heo chịu nhiều thiệt thòi và người tiêu dùng vẫn phải chi một số tiền lớn hơn thực tế cần phải chi để mua thịt heo.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Bộ Công Thương cũng vừa đề nghị các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các sở Công Thương, sở NN&PTNT kết nối tiêu thụ thịt heo cho các hộ chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các doanh nghiệp tăng cường thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt heo.

Một chuyên gia phân tích, giá heo hơi xuống thấp trong khi giá thịt tại chợ, siêu thị vẫn cao là do việc điều tiết hệ thống thương mại, nhất là khâu trung gian chưa bài bản.

2. Bộ Công Thương Việt Nam ký kết nhiều văn kiện quan trọng cùng Bộ Công Thương Lào.

Thông tin được đăng tải trên trang nhất của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 26/4/2017, tại trụ sở Văn phòng Thủ tướng Lào, Viêng-chăn, Lào, thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xỉ-xụ-lít, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena đã ký một số văn kiện hợp tác, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Các văn kiện bao gồm Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định Quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2009; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc xây dựng dự án kho ngoại quan xăng dầu Hòn La và đường ống dẫn xăng dầu Hòn La - Khăm-muộn.

3. Than, khí tăng giá khiến EVN 'đội' chi phí sản xuất thêm 7.200 tỷ.


Tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo phát triển đổi mới doanh nghiệp với EVN chiều 26/4, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu,…) là hơn 7.200 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc Phó thủ tướng đã yêu cầu EVN xây dựng kịch bản giá điện 2017 theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư và kiềm chế lạm phát.

Con số 7.200 tỷ đồng chi phí "đội" thêm mà EVN đang phải gánh đã phần nào giúp hình dung về kết quả hiệp thương giá than, dù kết quả này chưa bao giờ được công bố chính thức. Tuy nhiên, EVN cho biết đã đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm. Như vậy, vẫn còn một khoản 4.200 tỷ đồng biến động chi phí đầu vào đang treo trên đầu giá điện, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua.

LH (Nguồn VP Bộ CT)