banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 25/4/2017
Cập nhật lúc 08:33 ngày 25/04/2017

Sao cứ “mê” nhà thầu Trung Quốc dù nếm cay đắng? - sau khi Pháp Luật TPHCM, Dân trí đăng bài “Đại dự án khóc ròng vì nhà thầu Trung Quốc”, nhiều bạn đọc đặt vấn đề: Vì sao đã có nhiều bài học cay đắng từ nhà thầu Trung Quốc mà ta vẫn cứ lao vào? Bài báo đăng tải một số ý kiến đáng chú ý của độc giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề của chúng ta là tại sao cứ để nhà thầu Trung Quốc thắng thầu. Nếu vì đồng vốn đến từ Trung Quốc thì tại sao ta không hạn chế mà cứ nhận của họ và theo điều kiện thua thiệt mà ta cứ làm. Đây là câu hỏi mà Chính phủ phải trả lời cho người dân.

Vấn đề về dưa hấu, thịt heo cũng được các báo đưa nhiều thông tin trong những ngày gần đây. Về thông tin thị trường dưa hấu Trung Quốc, ngày 24/4, Bộ Công Thương đã có thông báo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ một số thông tin đáng chú ý về tình hình sản xuất, tiêu thụ và thị hiếu tiêu dùng dưa hấu tại thị trường Trung Quốc. Báo chí trong ngày hôm nay 25/4 cũng đăng tải lại nhiều thông tin này.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thiên Ngọc Minh Uy không bị rút giấy phép mà “chủ động” xin ngừng hoạt động; Đề nghị dừng nhập thịt ngoại để cứu heo nội; Sự cố điện tăng trong mùa nắng nóng, DN sản xuất bị ảnh hưởng; Thanh Hoá: Công trình điện dở dang, hàng trăm hộ dân dùng điện “chui”.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Thiên Ngọc Minh Uy không bị rút giấy phép mà “chủ động” xin ngừng hoạt động.


Sáng nay 25/4, một số báo đưa tin Bộ Công Thương rút giấy phép hoạt động công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã có thông tin chính thức về việc này. Theo đó, Công ty này không bị rút giấy phép mà chủ động xin ngừng hoạt động.

Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, vừa qua, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để Công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.

2. Đề nghị dừng nhập thịt ngoại để cứu heo nội.

Các doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, giá heo hơi trong dân tại Việt Nam đang rẻ nhất thế giới. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân hàng đầu là do cung lớn hơn cầu (dư cung), nguyên nhân thứ hai do việc tổ chức ngành hàng không tốt; khâu tổ chức thị trường hiện còn rất kém, từ thị trường nội địa tới xuất khẩu.

Để giải cứu thịt heo, Bộ NN&PTNT cũng làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo chính ngạch đi các thị trường tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Công Thương để kiến nghị Chính phủ tạm dừng nhập khẩu thịt và các phẩm từ thịt để giải quyết lượng thịt heo đang tồn lớn trong dân.

3. Sự cố điện tăng trong mùa nắng nóng, DN sản xuất bị ảnh hưởng.


Nhu cầu sử dụng điện cao mùa nắng nóng đã trực tiếp gây áp lực lên các trạm biến áp. Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, tại khu vực miền Nam đã có 10 máy biến áp vận hành tải cao ở chế độ "Cảnh báo" hoặc "Khẩn cấp", tập trung chủ yếu ở khu vực Bình Dương và Tây Ninh, những khu vực có lượng khu công nghiệp cao. Do vậy, trong tháng 3, ngành điện miền Nam đã xử lý hơn 20.000 trường hợp cần sửa chữa điện, tăng đột biến đến 40% so với tháng trước đó.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Nam khẳng định không có tình trạng thiếu điện, tuy nhiên các sự cố mang tính cục bộ vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do nhu cầu dùng điện liên tục tăng, đặc biệt là trong mùa khô. Năm nay, riêng các thành phần sử dụng điện trong công nghiệp, xây dựng trên địa bàn miền Nam được dự báo sẽ tăng khoảng 8%.

4. Thanh Hoá: Công trình điện dở dang, hàng trăm hộ dân dùng điện “chui”.

Qua tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tại thôn Cắm, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh có hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường chưa có điện lưới để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, mà người dân đang phải dùng điện “chui”. Trong khi đó, những công trình điện được đầu tư xây dựng dở dang đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Năm 2009, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện miền núi Lang Chánh được Nhà nước đầu tư 3 công trình điện lưới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các công trình điện vẫn trong tình trạng dang dở.

Trước thực trạng đó, UBND huyện Lang Chánh đã có văn bản gửi Sở Công Thương và có tờ trình gửi ngành điện lực Thanh Hóa xin hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đầu tư hoàn thiện những công trình điện ở các địa phương nêu trên. Tuy nhiên, đến nay việc bố trí nguồn vốn vẫn chưa được thực hiện.

LH (Nguồn VP Bộ CT)