banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 7/4/2017
Cập nhật lúc 08:47 ngày 08/04/2017

Báo cáo xử lý lãnh đạo Vinastas vụ "nước mắm Asen" trước 20/4 là thông tin được nhiều báo phản ánh trong ngày. Thông tin cho hay, Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) yêu cầu Hội này báo cáo việc kiểm điểm xử lý đối với các cá nhân trong vụ công bố kết quả khảo sát nước mắm hồi tháng 10 năm ngoái. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng yêu cầu báo cáo việc kiểm điểm với cá nhân Chủ tịch Vinastas Đoàn Phương. Báo cáo phải gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/4.

Liên quan tới kết quả khảo sát nước mắm “tai tiếng” này, hồi tháng 12 năm ngoái, Vinastas đã phải chính thức xin cải chính lại thông tin. Tại thời điểm đó, Vinastas thừa nhận, thông cáo báo chí nhóm khảo sát đã sai khi đồng nhất khái niệm arsen với thạch tín. Ngoài ra, có đề cập đến arsen tổng mà không nói rõ về khái niệm này nên hội xin nói lại cho rõ hơn là arsen tổng bao gồm arsen vô cơ và arsen hữu cơ, trong đó chỉ có arsen vô cơ có độc tính.

Bên cạnh đó, 'Sếp' Sabeco chính thức nhận quyết định nghỉ hưu cũng được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm. Sau ba tháng gởi thông báo cho ông Lê Hồng Xanh, đại diện vốn nhà nước, Ủy viên HĐQT, phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về việc nghỉ hưởng chế độ hưu trí, ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chính thức ký quyết định để ông Xanh “thôi đại diện vốn nhà nước tại Sabeco và nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định” kể từ 1/7/2017.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hiện công tác nhân sự cho vị trí tổng giám đốc tại Sabeco đã được rốt ráo triển khai. Dự kiến, tại đại hội đồng cổ đông tổ chức vào ngày 18/4 tới, vấn đề này có được Hội đồng quản trị Sabeco đưa ra trong trình bày trong phiên họp hay không, vẫn còn để ngỏ.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa Luật Cạnh tranh: Nâng Cục Quản lý cạnh tranh thành cơ quan thuộc Chính phủ; Cứ 10 xe bán tải nhập về Việt Nam, có 9 xe đến từ Thái Lan; Chủ tịch TMT: Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển “rộng nhưng chưa sâu”; Khó ngăn hàng ngoại giá rẻ; Làm gì để không còn phải "giải cứu nông sản"?.

Thông tin cụ thể như sau:              

1. Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa Luật Cạnh tranh: Nâng Cục Quản lý Cạnh tranh thành cơ quan thuộc Chính phủ.


Ngày 5/4, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Theo Bộ Công Thương, sau hơn mười năm thực thi Luật Cạnh tranh, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh đã có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam.

Trong dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra nhiều phương án sửa đổi luật để lấy ý kiến. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đưa ra phương án đề xuất sẽ nâng vị thế cơ quan cạnh tranh là cơ quan thuộc Chính phủ và do Chính phủ thành lập thay vì thuộc Bộ Công Thương như hiện nay. Về đối tượng áp dụng, dự kiến Luật Cạnh tranh sẽ có những điều chỉnh áp dụng với cả những hành vi của các cơ quan, cá nhân, nhất là các cá nhân có ảnh hưởng đến cộng đồng, các tổ chức phi kinh doanh gây ra. Theo đó, bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến cạnh tranh và trái với pháp luật đều phải bị xử lý mà không phụ thuộc vào việc chủ thể thực hiện hành vi có chức năng kinh doanh hay không.

2. Cứ 10 xe bán tải nhập về Việt Nam, có 9 xe đến từ Thái Lan.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 3.900 chiếc xe bán tải nguyên chiếc (pickup). Trong đó, Thái Lan tiếp tục là nhà cung cấp xe bán tải số 1 vào Việt Nam khi xe xuất xứ từ nước này chiếm 99,6% tổng lượng xe bán tải nhập khẩu 3 tháng đầu năm. Hai năm 2016, 2015, số lượng xe bán tải Thái cũng chiếm gần như tuyệt đối vào Việt Nam.…

Theo Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN, thuế nhập khẩu các dòng xe bán tải trong khu vực ASEAN vào Việt Nam (chủ yếu từ Thái Lan) chỉ là 5% so với mức 30% đối với các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ( 40% vào năm 2016) nếu đáp ứng đủ yêu cầu nội địa hóa ở nước sở tại. Đặc biệt, đối với mức lệ phí trước bạ, xe bán tải tại Việt Nam chỉ phải chịu mức thu 2%; trong khi với các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ xe là 10-15% (tuỳ theo địa phương).

3. Chủ tịch TMT: Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển 'rộng nhưng chưa sâu'.

Bộ Công Thương cho biết, tại buổi làm việc với tổ công tác liên bộ, ngành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn, ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần ôtô TMT cho biết, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều kiến nghị với Chính phủ nhằm phát triển công nghiệp ô tô. Ông Hữu cho rằng, từ trước đến nay, công nghiệp ô tô nước ta đang phát triển theo chiều rộng, phát triển ồ ạt, chưa theo chiều sâu, dẫn đến ngành không phát triển, ì ạch. Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa có cơ hội phát triển.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đối với các vấn đề đang tồn tại của ngành ô tô, các bộ, ngành cũng đang phối hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành và các quy định quốc tế. Thứ trưởng cũng cho rằng, về việc phát triển bề sâu, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nên có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, hạn chế nhập khẩu và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Theo đại diện Bộ Công Thương, Chính phủ đã đưa ra những chính sách thuận lợi tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp ôtô nói chung, tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, đặc biệt, kể từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô còn 0%, những chính sách trước đây không còn phù hợp.

4. Khó ngăn hàng ngoại giá rẻ.


Thời gian qua, không chỉ thị trường thép phải đau đầu cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ mà hầu hết các lĩnh vực may mặc, da giày, thực phẩm, đồ gia dụng… đều tràn lan các loại hàng chất lượng kém, giá thấp. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu bằng 0%, Việt Nam không sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại thì nguy cơ hàng hóa trong nước bị hàng nhập tràn vào đè bẹp là khó tránh.

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, trong bối cảnh hàng hóa ngoại nhập đang xâm lấn ngày một nhiều, Bộ Công Thương nên sớm tham vấn với các Hiệp hội, ngành hàng thuộc mọi lĩnh vực để từ đó sớm đưa ra các giải pháp, rào cản kỹ thuật, rào cản chống bán phá giá để đáp trả lại những rào cản mà các nước trên thế giới “giăng” ra đối với các ngành hàng của Việt Nam. “Điều này hoàn toàn phù hợp với các điều luật của WTO và tôi nghĩ nó là công cụ tốt nhất để bảo vệ các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa khốc liệt như hiện nay”- ông Giang nêu quan điểm.

5. Làm gì để không còn phải "giải cứu nông sản"?.

Từ đầu năm tới nay, chúng ta phải chứng kiến 2 cuộc "giải cứu" nông sản đối với chuối ở Đồng Nai và những ngày này là dưa hấu ở Quảng Ngãi. Ở nhiều địa phương, giá rau củ giảm mạnh đến mức nông dân thà bỏ trên ruộng còn hơn là thu hoạch vì thu không đủ bù chi. Những nghiên cứu bài bản về thị trường cũng như quy hoạch sản xuất là vấn đề cần giải quyết để tìm đầu ra cho nông sản.

Trong những ngày vừa qua, tình trạng dưa hấu tại Quảng Ngãi phải bỏ dưa ngoài đồng, chưa thu hoạch hoặc sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò ăn thay cỏ. Nhiều ngày nay những hoạt động giải cứu dưa hấu được nhiều tổ chức cá nhân chung tay kêu gọi và cùng nhau thực hiện.

LH (Nguồn VP Bộ CT)