banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ GIỮA CÁC NƯỚC ASEAN: Lao động Việt Nam có nguy cơ thất nghiệp cao
Cập nhật lúc 09:05 ngày 07/04/2017

Đó là nhận định của PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN). “Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), có 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, gồm: Nha khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật, Xây dựng, Kế toán, Kiến trúc, Khảo sát và Du lịch. Thế nhưng, ở Việt Nam (VN) hiện nay, ngoài ngành du lịch, các ngành khác vẫn còn chuẩn bị ở mức sơ khai; cơ sở vật chất đào tạo nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì trong tương lai không xa, nguy cơ thất nghiệp là rất cao…” - ông Vũ Quang Thọ cho biết thêm.


Thưa ông, vậy để thay đổi tình trạng này thì chúng ta phải làm gì?

- Hiện nay, Nhà nước đang giao cho Viện Công nhân và Công đoàn nghiên cứu đề tài khoa học “Chuyển dịch lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN”. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động có đáp ứng với sự trao đổi ấy hay không? Các cơ sở đào tạo nghề đã biết chương trình hội nhập này chưa? Cần điều chỉnh giáo án thế nào để đào tạo theo nhu cầu hiện nay?. Như chúng ta đã biết, khi VN hội nhập với kinh tế thế giới, đặc biệt là với khối ASEAN, trước hết phải hội nhập về chính trị, an ninh, văn hóa, đồng thời phải đẩy mạnh hội nhập về kinh tế, lấy kinh tế làm nền tảng để các mặt khác hội nhập tốt hơn. Khi hội nhập về kinh tế thì đầu tiên phải hội nhập về thị trường. Trong đó thị trường đặc biệt quan trọng là thị trường sức lao động. VN và một số nước ASEAN đề xuất, thống nhất được vấn đề chuyển dịch lao động từ nước này sang nước khác và ngược lại trong phạm vi ASEAN. Trước mắt, giới hạn ở 8 ngành nghề nói trên.

Muốn làm được điều này thì các nước phải có một bộ khung pháp lý chung để tuân thủ và làm theo. Các nước này cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực để chúng ta có thể chuyển dịch được. Thứ nhất, loại lao động có thể đưa vào luồng chuyển dịch được phải là loại lao động có chất lượng, nếu không muốn nói là phải tinh túy. Khi đã có nguồn nhân lực rồi thì phải chọn trong 8 ngành mà ta đã thống nhất để đào tạo chuyên sâu. Tiếp theo, các nước phải thống nhất với nhau chọn một loại ngôn ngữ làm chuẩn để lồng vào chương trình đào tạo (hiện nay là tiếng Anh). Bên cạnh đó, các nhân lực được đưa đi chuyển dịch này phải được tuyên truyền, học hỏi về văn hóa, phong tục, tập quán của các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là những nước ta sẽ đến làm việc cho họ hoặc ngược lại. Các nước trao đổi song phương phải tìm hiểu văn hóa của nhau. Trong đó ngôn ngữ là điều quan trọng nhất, sau tay nghề.

Như vậy có thể hiểu, trao đổi nguồn nhân lực là thách thức lớn đối với VN, thưa ông?

- Đúng vậy, trước khi thực hiện trao đổi thì người công nhân phải được trang bị kiến thức chung, tay nghề, ngôn ngữ và văn hóa. Chúng ta cứ nói là chúng ta đào tạo được nguồn nhân lực ở trình độ cao, tỉ lệ được đào tạo cao… nhưng thực tế so với nhiều nước trên thế giới, chúng ta còn rất thấp, rất yếu. Kể cả loại lao động được coi là ở trình độ cao ấy, so với các nước vẫn còn thấp hơn họ về nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Theo một khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2015, VN có trên dưới 1 triệu NLĐ ở nước ngoài, trong số đó chỉ có khoảng 1-2% là lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó, NLĐ vẫn chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại. Vì thế NLĐ hay tùy tiện, không theo được yêu cầu của họ, kể cả những việc phục vụ trong gia đình, chứ chưa nói đến các loại nghề ở trình độ cao như kỹ sư, kiến trúc sư. Theo báo cáo gần đây nhất (tháng 12.2016) của Bộ LĐTBXH, số người mà VN có thể đưa ra nước ngoài làm việc theo thỏa thuận của AEC là rất ít và chỉ giới hạn trong một, vài nghề như kỹ thuật phần mềm máy tính, du lịch.

- Tổ chức CĐVN đang làm rất tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ. Nhưng đó là đối với lao động trong nước, còn khi có sự chuyển dịch trong ASEAN thì sao, thưa ông?

- Hiện nay mảng này rất ít được tuyên truyền để NLĐ biết được cơ hội của họ và có sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội đó. Bên cạnh đó, dường như phần lớn cán bộ CĐ vẫn chưa nắm gì được về yêu cầu, điều kiện chuyển dịch lao động, quan hệ như thế nào với các đối tác để tạo cơ hội cho NLĐ. Mặt khác, ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho NLĐ VN khi làm việc trong cộng đồng ASEAN? Đồng thời, những chuyên gia, NLĐ nước ngoài làm việc tại VN thì mình cho họ tham gia vào tổ chức CĐ theo hình thức như thế nào để bảo vệ được quyền lợi của họ?. Những vấn đề như thế này cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia vào chương trình chuyển dịch lao động.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Lao động