banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 04/4/2017
Cập nhật lúc 08:40 ngày 04/04/2017

Giảm thuế nhập khẩu ôtô: Phù hợp cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh trong ngày 4/4. Liên quan vấn đề nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, đặc biệt là loại dưới 9 chỗ ngồi, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo lộ trình về thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN thì đến ngày 1/1/2018 thuế sẽ trở về 0. Riêng năm 2016 thuế từ 40% đã giảm xuống 30%, như vậy chỉ chênh nhau 10%.

Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các Bộ liên quan như Giao thông Vận tải, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, một số cơ quan liên quan và các chuyên gia trong ngành thành lập Tổ công tác liên Bộ, ngành. “Vấn đề là làm sao vẫn có thể duy trì và thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng. Với tinh thần khẩn trương, trước ngày 1/5/2017 Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những biện pháp phù hợp nhất nhằm đạt được cả hai mục đích trên”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Thông tin Yêu cầu khắc phục hàng loạt vấn đề ở nhiều nhà máy thủy điện cũng được nhiều báo quan tâm, đưa tin. Bộ Công Thương vừa lập đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, bên cạnh nhiều việc đã làm được, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại và yêu cầu nhà máy phải khắc phục ngay những tồn tại này.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các Nhà máy thủy điện tại địa bàn các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khắc phục một số điểm còn hạn chế, trang bị thêm các thiết bị cần thiết, đặc biệt là các chủ đầu tư được yêu cầu phải lắp đặt Camera giám sát mực nước hồ chứa tại đập truyền về phòng điều khiển trung tâm nhà máy… nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ vận hành và xử lý chất thải nguy hại đang lưu giữ tại nhà máy theo quy định.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Băn khoăn dự án nhiệt điện tỷ đô tại Long An; Quảng Trị: Doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều lần, không còn thời gian sản xuất; Bán cổ phần Sabeco: Giá bán kì vọng, chưa có mức giá thực; Dân được giám sát việc xử lý nước thải của Lee & Man Việt Nam.

Thông tin cụ thể như sau:                             

1. Băn khoăn dự án nhiệt điện tỷ đô tại Long An.


Tiền phong phản ánh: Người dân tại xã Phước Vĩnh Đông ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và Hiệp Phước của huyện Nhà Bè, TPHCM không khỏi lo lắng môi trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trước thông tin sẽ có nhà máy nhiệt điện tỷ đô mọc lên tại Cần Giuộc. Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông cho biết địa phương rất lo lắng về vấn đề môi trường. Do đó, rất cần sự góp ý, phản biện của nhiều cơ quan, chuyên gia một cách công khai, minh bạch để người dân an tâm hơn.

Lo ngại Trung tâm điện lực Long An được xây dựng tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có thể gây ảnh hưởng đến môi trường TPHCM, UBND TPHCM đã có công văn số gửi Bộ Công Thương phân tích về những tác động và đề nghị xem xét lại việc xây dựng nhà máy nhiệt điện tại xã này. Mới đây, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã có thông tin giải thích về quy hoạch Trung tâm điện lực Long An.

2. Quảng Trị: Doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều lần, không còn thời gian sản xuất.

Tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017 do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 3/4, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói: “Doanh nghiệp vẫn bị kiểm tra quá nhiều lần, đến mức không có thời gian để sản xuất, kinh doanh. Nếu có nhiều đoàn kiểm tra với cùng nội dung, doanh nghiệp có quyền từ chối không tiếp”.

Liên quan tới 16 kiến nghị phản ánh của các doanh nghiệp trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Lê Quang Vĩnh, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp địa phương chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, mới tiêu thị ở thị trường nội địa, chưa vươn tới thị trường bên ngoài do chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao. "Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Việc kiểm soát hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng giao cho Chi cục quản lý thị trường thực hiện. Trong năm 2016, kiểm tra 186 doanh nghiệp thì có đến 65 doanh nghiệp có vi phạm, chiếm 35% số lượng các doanh nghiệp được kiểm tra. Lực lượng quản lý thị trường vẫn kiểm tra thường xuyên, nhằm hạn chế tình trạng trên", ông Vĩnh nói.

3. Bán cổ phần Sabeco: Giá bán kì vọng, chưa có mức giá thực.


Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 3, liên quan đến tiến trình thoái, bán vốn cổ phần hóa tại Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, phía Bộ Công Thương đã có phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2016, Sabeco đã được tổ chức đưa lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, vấn đề hiện nay của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cũng như Sabeco là sẽ phải tính toán việc bán cổ phần Sabeco theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là về Luật Chứng khoán. Đồng thời, việc thực hiện bán cổ phần hóa Sabeco phải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, không để làm thất thoát tiền vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Dân được giám sát việc xử lý nước thải của Lee & Man Việt Nam.

Tuổi trẻ đưa tin: Chiều 3/4, UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã họp dân sống gần Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam tại thị trấn Mái Dầm, thông tin nguyên nhân sự cố ô nhiễm. Vấn đề dư luận đang quan tâm là vì sao nhà máy này được vận hành trở lại sau nhiều tháng “án binh bất động”? Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép xả thải của nhà máy vừa được cấp lại có gì đặc biệt?

Theo tài liệu phóng viên nắm được, ngày 25/1, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã ký quyết định phê duyệt ĐTM đối với Nhà máy giấy Lee & Man VN. Quyết định nói rõ đây là ĐTM được lập lại. ĐTM đã phê duyệt trước đây không còn hiệu lực. Điểm đáng lưu ý là việc cho người dân giám sát việc xử lý nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam là điểm mới của ĐTM vừa được phê duyệt. Sau một thời gian Nhà máy được phép vận hành thử nghiệm, tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn người dân trong vùng đã phản ứng gay gắt do mùi hôi phát sinh từ nhà máy giấy.

Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh tình trạng này, chiều 3-4 UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) tổ chức đối thoại với 30 hộ dân sống xung quanh Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam về việc nhà máy gây ô nhiễm. Ông Tống Hoàng Khôi, chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cam kết sẽ tiếp tục theo dõi sát quá trình vận hành thử nghiệm của Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, đảm bảo nhà máy này không gây ô nhiễm, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

LH (Nguồn VP Bộ CT)