banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 17/3/2017
Cập nhật lúc 12:31 ngày 20/03/2017

Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại nhiệt điện 5 tỷ USD ở Long An gây ô nhiễm là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh nhiều trong chiều ngày 16 và ngày 17/3.

Theo phản ánh từ nhiều cơ quan báo chí, Trung tâm nhiệt điện than trị giá 5 tỉ USD tại H.Cần Giuộc, Long An, mà Bộ Công Thương đang xúc tiến khiến TP.HCM lo ngại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế của Thành phố. PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho rằng: Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại trong khoảng 300 năm nữa nên không lo về an ninh năng lượng. Việt Nam lại ở gần các nguồn cung cấp than lớn như Indonesia, Úc. Nếu nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại thì không có vấn đề gì!

Theo các chuyên gia, việc đặt nhà máy nhiệt điện than ở Cần Giuộc, ô nhiễm không khí TP.HCM sẽ tăng mạnh. Nhiều ý kiến của các chuyên gia đưa ra, trong đó nổi bật là ý kiến của ông Trần Đình Sính - Phó giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh: “Việt Nam cần xem xét lại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh hiện hành, giảm hay thậm chí dừng xây dựng nhiệt điện than, đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời và điện gió và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Làm như vậy sẽ vẫn đảm bảo được nhu cầu điện mà giữ gìn đất nước ta xanh, sạch đẹp”.

Bên cạnh đó thông đáng chú ý khác đăng trên Đại đoàn kết 17/3 Doanh nghiệp Nhật than khó vì thủ tục, bài viết đưa tin: Theo phản ảnh của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp (DN) Nhật hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất thực phẩm tại Việt Nam, DN Nhật đang gặp khó khăn trong khâu nhập hàng mẫu.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Bộ Công thương khẳng định, quy định về bảo quản thực phẩm trong khu vực, kho riêng chỉ áp dụng đối với các kho hàng, không áp dụng cho các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Ngoài ra, theo điều kiện kinh doanh thực phẩm, không có nội dung nào đề cập quy định để riêng, chung hàng phi thực phẩm và thực phẩm. Trường hợp bị cơ quan quản lý làm khó DN có thể đưa các quy định ra đối chứng để tự bảo vệ mình.

Do quá trình phân cấp quyền xuống địa phương mà lực lượng địa phương lại chưa nắm rõ nên nhầm lẫn về quy định khi áp dụng. Bộ xin tiếp thu ý kiến và sẽ điều chỉnh. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN đầu tư, Jetro kiến nghị, Bộ Công Thương cần có văn bản chính thức gửi cho các Sở Công Thương các tỉnh thành để nói rõ vấn đề trong việc vận dụng các văn bản quy định như vậy sẽ tránh được trường hợp hiểu sai vấn đề gây khó cho DN.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thoái vốn tại Vinamilk, Sabeco, Habeco: Sẽ làm từ từ; Xuất hiện loại hình kinh doanh xăng dầu “mới” ở Quảng Bình: Những “quả bom xăng” khắp các khu dân cư; Ninh Bình: Bắt giữ 10 thùng phuy hóa chất không rõ nguồn gốc; Kiểm tra kỹ nguồn gốc xăng dầu.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Thoái vốn tại Vinamilk, Sabeco, Habeco: Sẽ làm từ từ.


Tiền phong đưa tin: Việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, Habeco và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn khác sẽ được làm từ từ, có lộ trình, để không gây xáo trộn thị trường. Đó là khẳng định của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề do bộ này tổ chức chiều 16/3.

Liên quan tới thoái vốn nhà nước tại Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), ông Tiến cho biết, trước đây Bộ Tài chính muốn chuyển Habeco về Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rồi mới thoái vốn. Tuy nhiên, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương thực hiện việc này, nên tới nay Bộ Tài chính cũng chưa cập nhật được tình hình đàm phán tại Habeco ra sao.

Được biết, hiện Carlsberg đang yêu cầu được ưu tiên mua lại cổ phần nhà nước tại Habeco, theo điều khoản hợp đồng đầu tư chiến lược 2 bên đã ký trước đó. Tuy nhiên, hợp đồng này có điều khoản Carlsberg cam kết các nghĩa vụ với Habeco, nhưng nhiều năm trước những điều khoản này đã bị Carlsberg vi phạm và đáng ra phải bị xử lý trách nhiệm.

2. Xuất hiện loại hình kinh doanh xăng dầu “mới” ở Quảng Bình: Những “quả bom xăng” khắp các khu dân cư.

Báo Lao động phản ánh, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện loại hình kinh doanh xăng dầu mới với nhiều hình thức trụ bơm xăng tự động nhưng không đáp ứng về các điều kiện bắt buộc khi kinh doanh xăng dầu, len lỏi khắp các vùng quê như “quả bom xăng”. Theo tìm hiểu của Báo Lao động, những trụ bơm xăng tự động trên được Công ty cổ phần quốc tế Đoàn kết chi nhánh tại Quảng Bình nhập khẩu và phân phối. Điều đáng nói, những trụ bom xăng tự động trên được người dân mua lại để tự ý kinh doanh khi không có đầy đủ các điều kiện để kinh doanh xăng dầu.

Ngày 15/3, ông Nguyễn Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết, đã ra văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các trụ bơm xăng tự phát trên địa bàn; giải quyết dứt điểm tình trạng các điểm bán xăng dầu tự động trước ngày 31/3 và sẽ công bố công khai tên, địa chỉ các đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Ninh Bình: Bắt giữ 10 thùng phuy hóa chất không rõ nguồn gốc.

Ngày 17/3, Trạm CSGT QL1A Ninh Bình (Phòng CSGT – Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ 1 xe tải vận chuyển 10 thùng phuy chứa hóa chất công nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ.

CSGT Ninh Bình đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên, sau đó bàn giao lại cho Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Ninh Bình điều tra xử lý. Sau khi làm rõ, Chi cục QLTT đã ra quyết định xử phạt chủ số hàng trên số tiền trên 140 triệu đồng.

4. Kiểm tra kỹ nguồn gốc xăng dầu.


Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan địa phương khi có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu (như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O và chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế (nếu có) phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác so với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…) thì gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh.

Đối với các trường hợp hàng hóa có C/O và đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt nhưng có dấu hiệu gian lận, vi phạm quy định thì chủ động tổ chức kiểm tra sau thông quan và báo cáo Tổng cục Hải quan.

LH (Nguồn VP Bộ CT)