banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 16/3/2017
Cập nhật lúc 08:29 ngày 17/03/2017

Thời gian gần đây dư luận và báo chí nóng vấn đề rượu tự nấu không đảm bảo chất lượng, đáng chú ý trên là bài viết Rượu tự nấu tràn lan trên thị trường Đà Nẵng là thông tin được VOV.VN phản ánh trong ngày 16/3.

Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng: Hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công đều nhỏ lẻ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, tự nấu, tự tiêu thụ nên rất khó kiểm tra, xử phạt. Qua thực tế kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn, phát hiện sai phạm chủ yếu là rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa và giả nhãn mác.

Theo ông Nguyễn Văn Trừ, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng lý giải, sở dĩ các cơ sở này chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh do vướng Quyết định 39 của UBND thành phố Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Trừ cho biết: “Thực tế cơ sở sản xuất rượu thủ công rất nhiều nhưng vướng Quyết định 39 họ không đăng ký kinh doanh được. Bây giờ muốn quản lý được thì phải đăng ký kinh doanh, rồi mới đưa họ vào khuôn khổ để cấp giấy chúng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu sửa Quyết định 39 đó theo hướng mở các cơ sở sản xuất đáp ứng được điều kiện”.

Thông tin Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức tại An Giang vào ngày 15/3 được các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin vào chiều tối 15 và ngày 16/3. Trong đó, các bài viết đặc biệt quan tâm đến ý kiến, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để xây dựng thương hiệu trên, ngành nông nghiệp phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, cải thiện chất lượng thông qua tăng cường cơ giới hoá, mở rộng hạn điền, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức mô hình HTX kiểu mới và có những dự báo thị trương tốt. Ngoài tăng cường xuất khẩu, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.

Để tạo điều kiện cho ngành lúa gạo phát triển và không bị cản trở bởi các chính sách, Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp Bộ NNTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi nhiều nghị định chưa phù hợp trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Dự báo năm 2017, ngành lúa gạo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng tới tự chủ về lương thực, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia đã thay đổi chính sách và phương thức nhập khẩu, xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Xuất khẩu tôm "điêu đứng" vì lệnh cấm nhập khẩu của Úc; Thép Thái Nguyên gửi 1.000 tỷ đồng lấy lãi, bù lỗ đầu tư; Vinataba muốn bán Bánh kẹo Hải Hà; Dán tem cột đo xăng dầu chống thất thu thuế.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Xuất khẩu tôm "điêu đứng" vì lệnh cấm nhập khẩu của Úc.


Dân trí đưa tin: Cho rằng lệnh cấm nhập khẩu tôm của Úc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang yêu cầu phía Úc xem xét lại lệnh cấm này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Úc vào khoảng 55 triệu AUD. Không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Úc còn đối mặt với nguy cơ phá sản.

Các cơ quan chức năng của Úc vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây ra dịch bệnh đốm trắng, trong khi những người nuôi tôm nước này thì đổ lỗi cho tôm nhập khẩu từ các nước châu Á. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tôm Việt Nam cần được tiếp tục xuất khẩu sang Úc trừ khi có bằng chứng về việc nhập khẩu từ nước ngoài là nguồn lây bệnh. Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm tôm chưa nấu chín của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mà không bị bất kỳ quyết định đình chỉ nhập khẩu nào.

2. Thép Thái Nguyên gửi 1.000 tỷ đồng lấy lãi, bù lỗ đầu tư.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016. Thuyết minh báo cáo cho thấy, năm 2015 doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với số vốn góp thêm là 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này hiện đang được gửi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lãi suất 5,3 – 5,5% một năm. Nhờ đó, mỗi tháng Tisco thu về khoảng 450 triệu đồng để thanh toán cho các hạng mục đầu tư dở dang giai đoạn 2 của công ty.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên gây chú ý trước đó khi “đắp chiếu” cả chục năm do vướng mắc về vấn đề tài chính. Theo tính toán, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch trước đó. Lý do điều chỉnh đầu tư được đưa ra là biến động giá cả của thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước. Số vốn "đội" lên so với kế hoạch ban đầu đã được Thủ tướng, Hội đồng quản trị của Gang thép Thái Nguyên phê duyệt. Tuy vậy, việc sa lầy vào dự án cải tạo giai đoạn 2 đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Tisco nhiều năm qua.

3. Vinataba muốn bán Bánh kẹo Hải Hà.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) vừa đăng ký bán toàn bộ gần 8,4 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) đang sở hữu của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (Mã CK: HHC) theo hình thức khớp lệnh qua sàn chứng khoán. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 17/3 đến 14/4/2017. Với thị giá cổ phiếu HHC đang giao dịch ở mức 40.000 đồng, gần gấp đôi so với thời điểm mới niêm yết, ước tính việc thoái vốn có thể đem về cho Vinataba hơn 330 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bánh kẹo Hải Hà, Vinataba hiện cũng là cổ đông lớn duy nhất, ngoài ra cơ cấu cổ đông còn bao gồm 15 tổ chức (tổng sở hữu 5,32% vốn điều lệ), 611 cá nhân (sở hữu 41,99% vốn) và các cổ đông nước ngoài (sở hữu 1,69%). Năm 2016, Bánh kẹo Hải Hà đạt gần 855 tỷ đồng doanh thu bán hàng và hơn 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng bánh kẹo đạt hơn 3 triệu USD. Thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 7,6 triệu đồng mỗi tháng.

4. Dán tem cột đo xăng dầu chống thất thu thuế.

Trên nhiều báo, đài đưa tin: Đây là một trong những biện pháp được TP.HCM áp dụng để quản lí kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký ban hành. Theo kế hoạch trên, trong thời gian tới TP.HCM thực hiện dán tem đồng hồ công tơ tổng các cột đo xăng dầu tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP.

Cục Thuế TP và Sở Khoa học và Công nghệ TP sử dụng tem hiệu chuẩn để dán, trong đó sẽ có số sêri, đóng dấu và chữ ký đại diện của Cục Thuế TP. Trước khi dán tem, Sở Khoa học và Công nghệ TP phải xác định các cột đo xăng dầu đảm bảo qui định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cục Thuế TP cùng các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, đối chiếu số liệu của cửa hàng kinh doanh xăng dầu phản ảnh trên hồ sơ khai thuế với lượng xuất ra thể hiện trên chỉ số công tơ tổng của cột đo xăng, dầu và giá trị xuất bán xăng, dầu để xác định số thuế phải nộp.

LH (Nguồn VP Bộ CT)