banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 13/3/2017
Cập nhật lúc 05:37 ngày 13/03/2017

Thay xăng A92 bằng xăng E5 từ 2018 là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh trong mấy ngày gần đây. Trong báo cáo trình Chính phủ về lộ trình thay thế xăng khoáng A92 (RON92) bằng xăng sinh học E5, Bộ Công Thương khẳng định từ ngày 1/1/2018, xăng E5 sẽ hoàn toàn thay xăng A92 trên cả nước. Trao đổi với báo chí, Người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ có chỉ đạo chính thức về lộ trình này. Tuy nhiên để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, Bộ đã họp và chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai từ bây giờ.

Báo chí phản ánh: Về phía Bộ muốn nhưng doanh nghiệp kêu khó. Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PV Oil tỏ ra băn khoăn về nguồn cung ứng nguyên liệu ethanol để sản xuất ra xăng E5, do hiện chỉ có Công ty THNN Tùng Lâm là đơn vị duy nhất cung cấp nguyên liệu ethanol. Đại diện Petrolimex thừa nhận việc thực hiện phương án thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 1-7 chắc chắn không thể thực hiện được, bởi trạm phối trộn của Petrolimex tại Hà Nội hiện chỉ có khả năng đáp ứng công suất 30%. Theo đại diện Petrolimex, để triển khai đồng loạt, thay thế hoàn toàn xăng A92 cần phải có thời gian để các DN nhập trang thiết bị, xây dựng để nâng cấp trạm trộn” - vị này nói. Một số DN xăng dầu cũng cho biết dù ủng hộ chủ trương thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5, nhưng phải có lộ trình cụ thể.

Các doanh nghiệp cho rằng giá xăng E5 phải rẻ hơn 500 - 1.000 đồng/lít so với xăng A92 mới khuyến khích người dân sử dụng.


Đặc biệt, khi triển khai thay thế đồng loạt trên cả nước, nguyên liệu chính sản xuất ethanol là sắn sẽ được trồng nhiều hơn, năng suất cao hơn và như vậy góp phần giảm giá thành sản xuất xăng E5.

Bên cạnh đó, vấn đề Sơ hở trong quản lý, nhiều cá nhân sử dụng thủ đoạn tinh vi khai thác than trái phép cũng là thông tin được báo chí quan tâm trong ngày 13/3. Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng. Qua kiểm tra và báo cáo của các địa phương, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cho thấy, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn các tỉnh trên thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép cơ bản đã được kiểm soát.

Theo báo cáo, dù vậy vẫn còn nhiều tồn tại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Trong thời gian qua vẫn còn các cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để khai thác than trái phép. Trong 8 tháng đầu năm, TKV đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý 31 lượt điểm đào bới khai thác than trái phép; Tổng công ty Đông Bắc đã phối hợp xử lý 9 điểm đào bới khai thác than trái phép.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thông tin về sự cố vỡ đập thải tại xí nghiệp thiếc Suối Bắc, Quỳ Hợp, Nghệ An; Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ đồng; Petrolimex đăng ký niêm yết 1,29 tỉ cổ phiếu.

Thông tin cụ thể như sau:                                          

1. Thông tin về sự cố vỡ đập thải tại xí nghiệp thiếc Suối Bắc, Quỳ Hợp, Nghệ An.

Chiều 12/3/2017, Bộ Công Thương đã cử tổ công tác vào Nghệ An để kiểm tra thực tế hiện trường, phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân cũng như khắc phục sự cố vỡ đập thải tại xí nghiệp thiếc Suối Bắc, Quỳ Hợp, Nghệ An.

Dù Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) liên tục cập nhật thông tin và báo cáo về Bộ sự cố vỡ đập thải tại xí nghiệp thiếc, Suối Bắc Quỳ Hợp, Nghệ An song chiều nay 12/3/2017, Bộ Công Thương vẫn cử tổ công tác vào Nghệ An để kiểm tra thực tế hiện trường, phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân cũng như có biện pháp khắc phục sự cố.

Tổ công tác do Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp - Tô Xuân Bảo làm trưởng đoàn, cùng với đại diện TKV, các đơn vị chức năng sẽ lên đường vào Nghệ An sáng sớm ngày mai 13/3/2017.

2. Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ đồng.


Theo nguồn tin riêng của báo điện tử Dân trí, một đoàn thanh tra vừa kết thúc thanh tra và ra kết luận về Tổ hợp Bauxit -Nhôm Lâm Đồng do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư  cho thấy, trong thời gian đầu, các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến ban đầu.

Đáng chú ý, Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016 đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá)

Còn tại dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, vốn đầu tư cho dự án này cũng tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2016, dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải và ra sản phẩm hydrat, Alumin. Dự án này vào chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.

3. Petrolimex đăng ký niêm yết 1,29 tỉ cổ phiếu.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa chính thức nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 1,29 tỉ cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của Petrolimex, được cổ phần hóa năm 2011, Petrolimex là một trong những doanh nghiệp lớn đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên niêm yết chính thức.

Năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu hơn 123.136 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.165,7 tỉ đồng (năm 2015 đạt 3.438,7 tỉ đồng). Năm nay, đơn vị này đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 10%. Hiện Petrolimex là nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam với mục tiêu đạt doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2020, tỷ lệ cổ tức phấn đấu đạt mức tối thiểu 12%/năm.

LH (Nguồn VP Bộ CT)