banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Trợ cấp thất nghiệp khi đã có việc làm
Cập nhật lúc 09:37 ngày 10/03/2017

Hỏi: Ông Phan Anh chấm dứt hợp đồng lao động với 1 đơn vị sau 13 tháng làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ngay sau đó ông Phan Anh lại ký hợp đồng lao động với đơn vị này nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Hai tháng sau ông Phan Anh đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), do hợp đồng lao động sau ông không đóng BHTN, BHXH nên ông không trình báo với cơ quan có thẩm quyền. Ông Phan Anh hỏi trường hợp này ông có được hưởng BHTN không?

Trả lời:

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thì người thất nghiệp là người đang đóng BHTN mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

 - Đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.

Theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 đã được sửa đổi, bổ sung thì người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;

- Chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp: Đối với ngành nghề kinh doanh không điều kiện thì ngày có việc làm đối với chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là ngày ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với ngành nghề chỉ kinh doanh các ngành nghề có điều kiện thì ngày có việc làm đối với chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là ngày đáp ứng đủ các điều kiện để hoạt động kinh doanh.

Như vậy, thời điểm ông Phan Anh đăng ký thất nghiệp thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 100/2012/NĐ-CP nêu trên thì được hưởng BHTN.

Nếu thời điểm ông Phan Anh đăng ký thất nghiệp mà đã có việc làm theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung nêu trên thì không đủ điều kiện hưởng BHTN theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 100/2012/NĐ-CP nêu trên.

Theo Chinhphu.vn