banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin báo chí đáng chú ý
Cập nhật lúc 07:42 ngày 07/03/2017

Đồng loạt kiểm tra các cơ sở rượu ở Hà Nội là thông tin được dư luận, báo chí quan tâm đăng tải trên hầu hết các báo. Số ca ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp tăng cao trong những ngày qua tại Hà Nội, đã cảnh báo tình hình ngộ độc rượu không chỉ có ở miền núi, vùng cao mà đang xuống đến thành phố. Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội đã tổ chức họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu.

Trả lời báo chí về kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn TP.Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên - Phó giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường mới chủ yếu kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu lớn, chứ đối với các hộ nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất rượu tự nấu trong dân thì chưa”. Ông Kiên cho biết thêm với địa bàn TP.Hà Nội thì cơ quan quản lý thị trường cũng chưa có một đánh giá cụ thể với thị trường rượu tự nấu. Tuy nhiên, theo ông, khi ngành y tế hay liên ngành có kế hoạch để đồng loạt tổng kiểm tra thì ngành Công Thương bố trí lực lượng quản lý thị trường để hỗ trợ ngay chuyên đề này.

Thông tin Bộ Công Thương huỷ quyết định bổ nhiệm Vũ Quang Hải năm 2013 cũng là thông tin được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm trong ngày. Thứ trưởng Công Thương - Hoàng Quốc Vượng vừa ký Quyết định 554 về huỷ Quyết định 137 ngày 29/5/2013 của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại về việc tiếp nhận và bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Cục Xúc tiến thương mại, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của cơ quan này đối với ông Vũ Quang Hải. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/2.

Trước đó, ngày 16/2 tại cuộc họp của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB), cổ đông đã thông qua miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị Sabeco nhiệm kỳ 2013-2018 và chức danh Phó tổng giám đốc công ty đối với ông Vũ Quang Hải. Thay vào các vị trí này là ông Nguyễn Thành Nam, hiện là Phó tổng giám đốc Sabeco.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: PVN mất trắng 800 tỷ đồng vì Oceanbank; Ô tô không được bảo hành nếu dùng sai xăng; Dán tem đồng hồ xăng dầu để chống gian lận; Bị áp thuế xuất khẩu, các doanh nghiệp xi măng nội lao đao; Doanh nghiệp thiệt hại vì dự án cảng Kê Gà.

Thông tin cụ thể như sau:

1. PVN mất trắng 800 tỷ đồng vì Oceanbank.

Báo chí phản ánh, liên quan tới vụ án Hà Văn Thắm và những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), theo cáo trạng việc góp vốn của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank gồm PVN 800 tỷ đồng (20%) và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà 266 tỷ (6,65%) đến nay không có khả năng thu hồi do Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng cũng cần được làm rõ. Do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT tách hồ sơ xử lý sau.

2. Ô tô không được bảo hành nếu dùng sai xăng.


Theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng, từ đầu năm 2017 các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thay vì Euro 2 hiện hành. Các doanh nghiệp (DN) ô tô lẫn khách hàng đều ủng hộ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải này, song đôi bên vẫn còn những lo lắng về vấn đề nhiên liệu.

Nhiên liệu xăng đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đã có trên thị trường nhưng thiếu, nhiên liệu không đạt chuẩn, không được triển khai đồng bộ khắp cả nước là khó khăn của chính DN lẫn người tiêu dùng. Đại diện một công ty sản xuất, lắp ráp ô tô cho biết nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 không nhiều, chủ yếu tập trung ở các TP lớn. Đó là chưa kể chất lượng xăng khó kiểm soát sẽ khiến nhiều ô tô Euro 4 phải xài nhiên liệu Euro 2, thậm chí thấp hơn.

3. Dán tem đồng hồ xăng dầu để chống gian lận.

Ngày 2/3, ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương, cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc dán tem đồng hồ tổng đo xăng dầu tại tất cả các cây xăng trên địa bàn tỉnh.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện việc dán tem nhằm chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định giao cho cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc dán tem, hạn cuối là ngày 31/3. Cơ quan thuế sẽ kiểm tra định kỳ dấu tem trên đồng hồ tổng, thống kê số liệu từng trụ bơm để đối chiếu với đồng hồ tổng và dễ dàng phát hiện gian lận trong kinh doanh xăng dầu (nếu có).

4. Bị áp thuế xuất khẩu, các doanh nghiệp xi măng nội lao đao.

Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin, mới đây, quy định các sản phẩm hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản phải chịu thuế xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp xi măng lo lắng. Nguồn cung xi măng dư thừa đã khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đành phải tìm mọi cách để xuất khẩu lượng xi măng tồn đọng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hiện nay cũng không hề dễ dàng.

Hiệp hội xi măng cho biết, khi chưa áp thuế, việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã gặp khó khăn, khi sản lượng đã liên tục giảm mạnh. Do vậy, việc áp thuế hiện tại sẽ càng tạo thêm khó khăn trong việc xuất khẩu xi măng. Một khi doanh nghiệp không thể xuất khẩu, nhà nước cũng khó mà thu được thuế. Dự kiến năm 2020, sản lượng xi măng dư thừa sẽ vào khoảng 20 triệu tấn. Nếu không thể xuất khẩu, lượng xi măng dư thừa này sẽ quay trở lại trong nước, sẽ có nhiều doanh nghiệp bán phá giá, gây ra hỗn loạn thị trường và chuyện một số doanh nghiệp phá sản sẽ là điều khó có thể tránh khỏi.

5. Doanh nghiệp thiệt hại vì dự án cảng Kê Gà.

Người Lao động đưa tin, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt kinh phí bồi thường cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại bởi dự án xây dựng cảng biển Kê Gà. Đầu năm 2000, qua mời gọi của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng các dự án du lịch ven biển tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên, đến năm 2008, khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được nhà nước cho phép xây dựng cảng Kê Gà, các dự án du lịch bị đình trệ. Các DN đã bỏ vốn hàng chục tỉ đồng vào các dự án du lịch nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng trong khi dự án xây dựng cảng Kê Gà ngừng triển khai từ 4 năm trước.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi kiểm kê thực tế, có 9 dự án du lịch đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền trên 85,7 tỉ đồng, nhưng TKV chỉ chấp thuận chi trả khoảng 37,5 tỉ đồng. Đối với khoản tiền 48,2 tỉ đồng còn lại, TKV đề nghị tỉnh Bình Thuận hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi cho các dự án du lịch tiếp nhận lại dự án và chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho TKV.

LH (Nguồn VP Bộ CT)