banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 28/2/2017
Cập nhật lúc 01:49 ngày 01/03/2017

Vụ "lót tay" 20.000 USD giấy phép xuất gạo: Chỉ là lời mời của tư vấn là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh trong ngày 28/2. Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn xác minh để khẩn trương làm việc với các bên liên quan.

Theo phản ánh của báo điện tử Dân trí, trả lời các câu hỏi của đoàn xác minh, ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC khẳng định ông và Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương và cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị/cá nhân nào tại Bộ Công Thương. Ông và Công ty cũng chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo ông Nam, trong quá trình hoạt động của Công ty ADC, một số công ty tư vấn dịch vụ pháp lý đã liên hệ và chào giá dịch vụ làm hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo là khoảng 20.000 USD. Ông không nhớ đó là những ai, công ty nào bởi họ không gặp trực tiếp mà chỉ chào mời qua điện thoại. Với tất cả những lời chào mời đó, ông đều từ chối và cũng không tiếp xúc để tìm hiểu thêm.

Bên cạnh đó, vấn đề lo ngại cúm gia cầm bùng phát khi gà lậu "vượt biên" cũng là thông tin được báo chí và dư luận quan tâm trong ngày. Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh - là những nơi có nguy cơ tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc. Hiện nay, virus cúm gia cầm A/H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng có nguy cơ lây nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Hàng ngàn xe máy bị hỏng bugi nghi do xăng; Doanh nghiệp ô tô ngoại "dọa" rời Việt Nam: Cơ hội cho ngành ô tô nội?; Giá xăng, gas đẩy CPI tháng 2 tăng 0,23%; Nghịch lý chuối Việt - nơi thiếu hụt, chỗ đổ bỏ.

Thông tin cụ thể như sau: 

1. Hàng ngàn xe máy bị hỏng bugi nghi do xăng.


Dân trí phản ánh: Thời gian gần đây, tại một số địa bàn trong tỉnh Kiên Giang xảy ra tình trạng hàng loạt xe gắn máy bị hỏng bugi. Tính từ sau tết đến nay, nhiều cửa hàng sửa xe máy trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã sửa, thay thế hàng ngàn bugi. Theo các kỹ thuật viên sửa chữa xe gắn máy, đây là một hiện tượng bất thường và họ nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến hỏng bugi là do xăng có vấn đề, vì khi rút xăng từ bình xe máy để kiểm tra thử thì thấy xăng có mùi rất lạ và có váng, điều đặc biệt là loại xăng này ít bị bay hơi.

2.  Doanh nghiệp ô tô ngoại "dọa" rời Việt Nam: Cơ hội cho ngành ô tô nội?

Tiền phong đưa tin: Liên quan tới việc các hãng ô tô Nhật Bản có thể đóng cửa hoặc thu hẹp mảng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Báo Tiền Phong dẫn ý kiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc nội địa hóa không đạt được như kỳ vọng do chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sai ngay từ đầu. Việc các doanh nghiệp FDI được nhiều ưu đãi, ban đầu họ cam kết nhiều nhưng rốt cuộc không đáp ứng được nội địa hóa là rất vô lý. Việt Nam bị thua thiệt khi chỉ căn cứ vào lời hứa để cung cấp ưu đãi.

Về việc doanh nghiệp xin ưu đãi để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên khẳng định, với chính sách hiện nay, sản xuất phụ tùng đối với doanh nghiệp không có lợi. Muốn khuyến khích doanh nghiệp làm nội địa hóa, cần có chính sách mạnh tay như phải đánh thuế nhập khẩu phụ tùng. Cùng đó, với doanh nghiệp sản xuất ô tô đầu tư công nghệ cao để xuất khẩu, cần có chính sách hỗ trợ cho vay tiền thiết kế, vay tiền mua máy móc thiết bị…

3. Giá xăng, gas đẩy CPI tháng 2 tăng 0,23%.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 tăng 0,23% so với tháng trước. Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 0,69%. Trong số 11 nhóm hàng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) tăng cao nhất với 0,77%. Theo Tổng cục Thống kê nguyên nhân chủ yếu là do giá gas điều chỉnh tăng 28.000 đồng mỗi bình từ ngày 1/2. Tiếp đến là nhóm giao thông cũng tăng 0,56% do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng ngày 3/2 và 18/2.

4. Nghịch lý chuối Việt - nơi thiếu hụt, chỗ đổ bỏ.


Báo chí phản ánh hơn một tháng nay, sản phẩm chuối của nông dân tại Đồng Nai, Tây Ninh và một số vùng phía Bắc giảm giá chỉ còn vài nghìn đồng, thậm chí xuống còn vài trăm đồng nhưng cũng ít người thu mua nên nhiều nơi phải đổ bỏ cho gia súc ăn. Trong khi đó, một số trang trại chuối lớn tại Lâm Đồng, Long An lại bán sản phẩm với giá cao, thậm chí có nơi không đủ chuối để xuất khẩu.

Lý giải cho nghịch lý này, giám đốc doanh nghiệp chuyên hỗ trợ xuất khẩu chuối ở Đồng Nai cho biết, hai tuần qua, sở dĩ chuối ở Đồng Nai không ai mua hoặc bán với giá rẻ là vì thị trường Trung Quốc ngưng thu mua, trong khi hàng trăm hecta chuối đang vào vụ thu hoạch khiến người dân điêu đứng. Mặt khác, chuối ở đây chất lượng chưa cao không đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên tính cạnh tranh thấp, khó tiêu thụ ở thị trường khó tính.

LH (Nguồn VP Bộ CT)