banner2019
 
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng VN: “Đây là Đài truyền thanh gang thép"
Cập nhật lúc 09:21 ngày 21/06/2013
Hàng năm cứ vào ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cánh “nhà báo” nghiệp dư chúng tôi lại có nhiều thứ để nhớ. Nhớ về bài báo đầu tiên được đăng ở một tờ báo cấp tỉnh, cấp ngành rồi cấp trung ương, nhớ về lần nhuận bút đầu tiên khao đãi bạn bè…và Đài truyền thanh Gang thép cũng xứng đáng được nhớ trong ngày này.

Chúng tôi bảo nhau: Trong nghề báo, sau bốn cấp: Trung ương-tỉnh-huyện-xã, đến Đài Gang thép là cấp thứ năm. Mặc dù chỉ là một cơ quan Đài ở khu công nghiệp, nhưng về lực lượng và quá trình hoạt động kể ra cũng rất đáng được trân trọng. Một cái Đài truyền thanh, ban đầu với 3 tủ máy loại 500w của Trung Quốc, sau được trang bị bổ sung một tủ máy 600w của Việt Nam, nâng công suất danh nghĩa của Đài lên 2.100w; 72 km đường dây và hàng trăm điểm loa rải từ Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên) đến các khu sơ tán Lương Sơn, Tân Quang (thuộc thị xã Sông Công bây giờ) từ Trường Luyện kim (xã Tích Lương) sang phường Hương Sơn rồi vào sâu phường Cam Giá hiện nay...

Để thực hiện cơ chế và quy định của Vụ Báo chí và Xuất bản Trung ương. Ngày 16 tháng 12 năm 1960, Đảng ủy và Ban Chỉ huy công trường xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên Quyết định thành lập Báo và Đài truyền thanh Gang thép-cơ quan tiếng nói của Đảng ủy và Diễn đàn của công nhân lao động. Có Ban biên tập; có các tổ nội dung, kỹ thuật sửa chữa vận hành. Riêng tổ đường dây có 6-7 người, ai cũng có một chiếc xe đạp, sau Poocbaga xe nào cũng lủng lẳng một cái túi bằng cao su bóc từ lốp ôtô cũ khâu lại như cái hộp, trong đó đủ kìm, búa, cà lê, ốc vít, bu loong, dây điện, biến áp loa…,trên ghi đông mỗi xe đều treo sẵn một dây da an toàn và cuộn dây thép mạ dự phòng thay thế. Sáng ngày ra là cả tổ phân công nhau rong ruổi chạy hết 5 tuyến với 72 km đường dây ấy. Dây chập, loa mất tín hiệu là thấy công nhân đường dây Đài truyền thanh Gang thép.

Một thời Đài truyền thanh Gang thép là phương tiện thông tin chủ yếu của CNVC-LĐ và nhân dân phía nam thành phố Thái Nguyên. Loa nhỏ vào gia đình, loa lớn đến các điểm công cộng, khu tập thể. Nơi đây đã từng nuôi dưỡng những người sau này thành danh như: Nguyễn Anh Bình, Vụ trưởng vụ xây dựng Đảng báo Nhân Dân; nhà văn Xuân Cang, Tổng Biên tập báo Lao Động; nữ nhà văn Lê Minh với nhiều tác phẩm để đời; Trần Trúc Thanh, Lê Hữu Quế, Vụ Báo chí-Xuất bản Trung ương; Trần Hiệp, phóng viên chương trình phát thanh Thanh Niên đài tiếng nói Việt Nam; nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, phóng viên Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh Việt Nam; nhà văn Nguyễn Đức Thiện, rời đài truyền thanh Gang thép vào làm phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Tây Ninh; Trần Vũ sang Tuyên giáo Đảng ủy Gang thép…

Tổ nội dung Đài truyền thanh Gang thép thường chỉ có 5-6 người với mấy cái máy ghi âm R5, R6, máy băng cối của Hungari, máy thu sóng hãng ISIN của Liên Xô, bàn khống chế tín hiệu và mấy cái micrô để bàn của Trung Quốc…thế mà làm đủ các chương trình Thời sự, Chuyên đề, Văn nghệ, Câu chuyện truyền thanh…phát các ngày trong tuần. Cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên ngành cấp trên. Đài có đội ngũ cộng tác viên từ cơ sở rất hùng hậu, gắn bó. Ngô Khuyến Phong (phòng Bảo vệ); Phan Chừng (xưởng Xe máy); Lê Hà (Công trình); Hồng Nguyên (Gạch chịu lửa); Xuân Toán (Luyện cán thép Gia Sàng); Đào Thành Lạng (Đoàn Thanh niên công ty) sau làm Trưởng Đài Gang thép; Nguyễn Đức Tài (Cốc Hóa); Trần Cầu, Bùi Quang Phiệt (phòng An toàn); Dương Văn Ký, Nguyễn Duy Hội (Hợp Kim sắt); Hoàng Xuân Trường (Công an Thái Nguyên)…Một số đi học báo chí như Nguyễn Huấn trở thành phóng viên chương trình Nhà nước và Pháp luật Đài tiếng nói Việt Nam; Trần Bá Dung, hiện là phó ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam…;Các phát thanh viên Hà Khắc Di, Cẩm Nhung, Đỗ Ngọc Lưu, Kim Oanh…vẫn giữ chất giọng trong trẻo, rõ ràng, vang khỏe một thời và trở nên thân quen với nhiều thế hệ công nhân Gang thép.

Khi chỉ còn vài ba người, tổ nội dung phân công nhau làm hết mọi việc. Viết tin bài, đọc ghi âm, dựng chương trình. Phát thanh viên cũng xách máy đi phỏng vấn, viết bài. Nhớ lắm! Lê Vỹ, cây viết tin chủ lực, ngày ấy anh có cái xe đạp Phượng Hoàng, phía sau đeo một cái túi da đen. Cứ sáng ra là chạy một vòng xuống các xưởng, gần trưa mới về, ngồi xoạc hai chân dài ngoằng xuống gậm bàn vừa viết vừa tán chuyện. Lê Vỹ viết rất nhanh, nhưng chỉ viết tin, lâu lâu mới viết một bài, ngày ấy anh chị em trong Đài phong cho Lê Vỹ là “giám đốc Công ty Tin” và gọi vui là Leviscontis; Mai Tú, Hoàng Linh, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Đức…đều là những phóng viên viết khỏe, sau chuyển về báo tỉnh. Còn nhớ, một dạo Đài tổ chức thi “Tiếng hát công nhân” trên băng ghi âm, mấy chục đơn vị từ khu trung tâm Lưu Xá Thái Nguyên đến các mỏ Dolomi Thanh Hóa; Đất chịu lửa Hải Dương; Mangan Cao Bằng…xa mấy cũng tìm cách gửi băng về tham gia cuộc thi; Đài truyền thanh Gang thép đã làm tường thuật giải bóng đá Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (SKĐA) giữa hai đội Cu-ba và Ăng-gô-la tại sân vận động công nhân Gang thép; Phối hợp cùng Công đoàn khu Gang thép tổ chức trại viết truyện và ký, các tập “Khu Gang thép truyện ngắn”, ký “Từ hai bàn tay” ra đời đều do người Gang thép viết, khá thuyết phục; Phối hợp với khu Đoàn Gang thép thành lập tổ Thông tín viên Báo Tiền Phong, năm 1983 được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen...

Thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đài truyền thanh Gang thép phải hai lần đưa máy xuống hầm, có đận cả Đài thức thâu đêm lắp thiết bị, thử tín hiệu để đúng 5 giờ sáng hôm sau nhạc hiệu của Đài vẫn vang lên như thường lệ. Những phóng viên của đài ngày đó từng đội bom đi lấy tư liệu viết tin bài. Và trong bom đạn của kẻ thù, tiếng loa của Đài truyền thanh Gang thép vẫn chưa bao giờ bị ngắt quãng. Hàng vạn CNVC-LĐ và nhân dân địa phương đã coi loa truyền thanh là phương tiện theo dõi máy bay địch từ xa, để chủ động phòng tránh. Sau mỗi trận máy bay Mỹ đánh phá, lại thấy hình ảnh công nhân và phóng viên Đài truyền thanh Gang thép có mặt tại hiện trường, kịp thời nối lại đường dây loa bị đứt, ghi lại những tấm gương công nhân và cán bộ ta dũng cảm chống trả tội ác của giặc, để vài giờ sau tiếng loa của Đài lại dõng dạc vang lên, góp phần củng cố lòng tin người thợ. Có thời kỳ Đài còn thành lập những cụm truyền thanh lưu động trực tiếp tuyên truyền phục vụ các sự kiện như: Đợt công nhân Gang thép tham gia xây dựng tuyến đường 1B ở Lạng Sơn; Đợt khôi phục sản xuất sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở các xưởng mỏ. Chuyên mục “Nhật ký phóng viên” được phát huy rất có hiệu quả thời kỳ này…Với kết quả hoạt động. Đài truyền thanh Gang thép Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Bộ Thông tin, Cờ thưởng thi đua xuất sắc của Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam...

Rất nhớ. Khi bàn về việc chuyển đổi hình thức tuyên truyền nội bộ, một đồng chí Chủ tịch Công đoàn cơ sở đặt vấn đề: “Truyền thanh nội bộ rất cần cho người lao động. Thông tin nhanh, nội dung gần và tác động trực tiếp, không dễ gì được sử dụng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông ở Trung ương và địa phương…”. Và sau đó, ngày 28-4-1997 Đài truyền thanh Gang thép đã phát chương trình cuối cùng để nói lời từ biệt bạn nghe đài, với lý do: Chuyển hướng hoạt động của Đài Truyền thanh Gang thép cho phù hợp với tình hình mới. Thế là Đài truyền thanh Gang thép “được…giải thể”…Một tình cảm xáo trộn lòng người. “Tiếc lắm, nhưng không thể khác được!”. Đúng thì đúng rồi, nhưng nó vẫn cứ nao nao khó diễn tả thành lời. Chỉ biết Đài truyền thanh Gang thép đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình sau hơn 37 năm hoạt động.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống công nhân Gang thép (1963-2013). Ghi lại ký ức một thời để có dịp tri ân các thế hệ đã từng đổ mồ hôi và cả máu cho một sự nghiệp truyền thông, để trong lòng mỗi người luôn vang mãi “Đây là Đài truyền thanh Gang thép.”