banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 1
Cập nhật lúc 08:30 ngày 22/02/2017

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (Tháng hành động) từ năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa cho biết Tháng hàng động lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 1-30/5/2017 trên phạm vi toàn quốc.

Thực hiện các quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động có ý nghĩa nhiều mặt về kinh tế - xã hội

Ban Chỉ đạo Trung ương giao UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của quốc gia lần thứ 1. Lễ phát động Tháng hành động của quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 6/5/2017 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Tại các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lễ phát động hoặc các hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện của Bộ, ngành, địa phương để hưởng ứng Tháng hành động.

Qua các báo cáo tổng hợp, phân tích về tai nạn lao động chết người trong những năm qua cho thấy, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn lao động xảy ra là do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ. Công tác huấn luyện ATVSLĐ không chỉ cung cấp các lý thuyết về ATVSLĐ mà cần chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Đó chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Với ý nghĩa đó, Tháng hành động lần thứ 1/2017 sẽ có chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Việc phát động Tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Tháng hành động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần duy trì các hoạt động thường xuyên về ATVSLĐ theo qui định pháp luật và tập trung vào một số nội dung. Theo đó xây dựng chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ và tổ chức triển khai thực hiện trong cơ sở sản xuất kinh doanh. Rà soát, bổ sung các nội qui, qui trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho các nhóm đối tượng cần phải huấn luyện, người lao động theo qui định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động

Bên cạnh đó tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ; thực hành sơ cấp cứu tai nạn lao động. Phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua bảo đảm ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giao lưu văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ…

Quang Lộc