banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Công nhân đầu tiên duy nhất của cả nước
Cập nhật lúc 09:11 ngày 12/12/2013
Nhiều bạn đồng nghiệp nhiếp ảnh các tỉnh đến Thái Nguyên, khi tới thăm khu Gang thép đều có nhận xét tốt và ước mơ được như Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép. Ông Lê Phức, nguyên Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, trong một lần phát biểu tại Triển lãm ảnh Thời sự - Nghệ thuật ở Nhà văn hoá Công nhân Gang thép cũng đã xác nhận: “…Đến nay, đây là Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Công nhân đầu tiên và duy nhất của cả nước”.

Tác phẩm “Nắng trong lò” của Phạm Thế Hoàng

Xuất phát từ mục tiêu tuyên truyền cổ động của Công ty, ngày 15/11/1987 Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội đồng Câu lạc bộ-Văn hoá thể thao (CLB-VHTT) Công ty Gang thép Thái Nguyên quyết định thành lập CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép. 10 hội viên ban đầu đều là công nhân và cán bộ trong Công ty, trong đó có người mới đi tu nghiệp từ nước ngoài về, cùng có niềm đam mê chụp ảnh. Do chưa được đào tạo tập huấn, những kỹ năng cơ bản về chuyên môn còn bỡ ngỡ, thiết bị phần lớn đã cũ, chế độ in phóng thủ công và mục đích chụp ảnh để… cổ vũ phong trào là chính. CLB chưa có quy chế hoạt động, thời gian này chỉ mang tính tập hợp lực lượng, nên hầu hết ảnh chụp đều “ghi chép rất tự nhiên”, nhưng đó lại là những “viên gạch” đầu tiên rất quan trọng đặt nền móng cho CLB phát triển sau này.

Khởi nguồn từ niềm đam mê của người cầm máy, được Công đoàn và Hội đồng CLB-VHTT Công ty xác định: Nhiếp ảnh là một trong các hoạt động có tác dụng quan trọng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền cổ động, giáo dục trực quan đối với người lao động bằng hình ảnh được ghi lại, phản ánh phong trào thi đua lao động sáng tạo, tổ chức hoạt động tập thể và chăm lo đời sống người lao động từ “người thật, việc thật”…, nên thường xuyên vừa tạo điều kiện, vừa nêu yêu cầu và chọn cử các đơn vị thành viên chăm lo, cổ vũ CLB hoạt động, trong đó nhà máy Luyện thép Lưu Xá được làm “nòng cốt”, mỗi năm cân đối từ nguồn phúc lợi của đơn vị, hỗ trợ CLB từ 15 đến 20 triệu đồng, việc làm này được Công đoàn và Hội đồng CLB-VHTT Công ty ghi công vào bảng thành tích hàng năm…
 

Khai mạc Triển lãm ảnh “Ngọn lửa thép gang”

Bắt đầu từ những tấm ảnh, những đoạn phim được chắt lọc từ những đợt sáng tác tự nguyện của hội viên gửi đến, hàng tháng CLB có nhiệm vụ trưng bày 2 bộ ảnh thời sự, chủ yếu chụp về sản xuất, trung bình từ 15 đến 18 ảnh đen trắng cỡ 13x18cm hoặc 18x24cm, đặt ở các điểm công cộng trong khu vực. Hơn một năm sau, Ban Chủ nhiệm CLB phối hợp với Nhà văn hoá mạnh dạn tổ chức 2 cuộc Triển lãm trên 60 ảnh Thời sự-Nghệ thuật, ngoài ra để hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L, CLB còn trưng bày một bảng ảnh chống tiêu cực, bằng “người thực-việc thực” phản ánh về những việc làm tắc trách dẫn đến vi phạm nguyên tắc quản lý của Nhà nước, vi phạm kỷ luật lao động và quy trình kỹ thuật an toàn trong nhà máy, vi phạm nếp sống văn minh trong sinh hoạt… được đông đảo người xem hoan nghênh. Nên chỉ trong thời gian ngắn CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép đã có thêm niềm tin, từng bước “vượt lên chính mình”. Từ đó, Ban chủ nhiệm đã mời các “tay máy” có uy tín và kinh nghiệm của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tham gia các buổi sinh hoạt nghiệp vụ với hội viên CLB, rồi chủ động liên hệ với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và được các nghệ sĩ Nguyễn Long, Văn Bảo, Vũ Nhật, Đỗ Huân, Mai Nam, Hà Tường, Vũ Huyến, Lâm Tấn Tài… lần lượt về trực tiếp giảng dạy, truyền nhiệt huyết và phương pháp sáng tác cho CLB. Các Tổng Thư ký và Chủ tịch Hội Trung ương: Hoàng Tư Trai, Lê Phức, Chu Chí Thành đều đã dành thời gian đến làm việc với lãnh đạo Công ty Gang thép, ra quyết định “Bảo trợ nghiệp vụ”, giới thiệu giao lưu với các CLB nhiếp ảnh Mê Linh (Vĩnh Phúc); Văn Lang (Phú Thọ); Núi Hoa (Bắc Kạn); Hải Âu (Tp Hồ Chí Minh)… để giúp CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép phát triển. Từ đó, hằng năm thông qua Nhà văn hoá Công nhân Gang thép, CLB chủ động mời thầy về mở trại sáng tác, tổ chức trưng bầy Triển lãm ảnh Thời sự-Nghệ thuật về đề tài Công nghiệp Luyện kim (mở rộng) gắn với chủ đề “Đất và Người Thái Nguyên”, nhằm chọn lọc giới thiệu những tác phẩm của hội viên sau mỗi đợt sáng tác; nhiều ảnh của hội viên CLB được chọn đăng trên các báo, tạp chí, giới thiệu trong các Triển lãm ở địa phương, khu vực và được giới nhiếp ảnh cả nước biết đến… Đó là nguồn khích lệ lớn dần trong CLB.

Qua 25 năm hoạt động, từ chủ nhiệm đầu tiên là giám đốc Nhà văn hoá Gang thép Trần Vũ, đến các nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa, Phạm Thế Hoàng bây giờ. Từ 10 hội viên nhiếp ảnh nghiệp dư ban đầu, đến nay trong tổng số 25 hội viên (2 nữ), CLB có 19 người là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (chuyên ngành Nhiếp ảnh), trong đó 12 người là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (A.VAPA), 2 người được phong Tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA), 3 người là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam. CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép đã không ngừng lớn mạnh, thu hút nhiều tay máy uy tín, giầu kinh nghiệm bên cạnh những tay máy đầy sức trẻ và sáng tạo như: Trần Thông, Văn Chi, Chu Thi, An Sơn, Đồng Đăng, Khắc Thiện, Đỗ Anh Tuấn, Tuấn Dũng, Quốc Chính, Hoàng Thị Thuý, Quốc Văn, Công Trượng…họ đều có cái chung là rất đam mê và nhiệt thành với nhiếp ảnh. Trải qua 25 năm miệt mài hoạt động, CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép đã có hàng nghìn bức ảnh đăng báo, tạp chí. Gần 200 tác phẩm đạt các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, giải Khuyến khích và tương đương tại các Triển lãm ở tỉnh Thái Nguyên, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Quốc gia và Quốc tế; 9 lần đạt giải đồng đội tại Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực và Cúp VAPA-FUJIFILM. Các tác phẩm “Được mùa” của Văn Chi; “Khơi nguồn” của Vũ Kim Khoa; “Nắng trong lò” của Phạm Thế Hoàng; “Tôi là người thợ lò” của Tuấn Dũng; “Bình minh trên công trường” của Khắc Thiện và một số chân dung người thợ luyện gang của Đỗ Anh Tuấn, Hoàng Thị Thuý… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong giới nhiếp ảnh cả nước và Hà Nội. Mười năm gần đây CLB đã có 8 lượt hội viên tổ chức Triển lãm cá nhân hoặc nhóm tác giả được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá cao. Sau mỗi cuộc Triển lãm đều là dịp để hội viên nhìn lại sự trưởng thành của mình và khẳng định mình qua mỗi năm sáng tác về đề tài yêu thích, nhất là về “Công nghiệp và Người thợ luyện kim” ở khu Gang thép Thái Nguyên; “Vùng cao và các dân tộc thiểu số” ở Việt Bắc và Tây Bắc... Từ năm 1999 đến nay, CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang thép đã được Trung ương Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tặng thưởng 7 Huy chương và Kỷ niệm chương cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động “Vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh việt Nam”, Bằng khen và nhiều phần thưởng của khu vực, của tỉnh Thái Nguyên và Công ty Gang thép.

Có được những kết quả trên, một trong những bài học được CLB rút ra là: Thường xuyên phát huy niềm đam mê, nỗ lực của mỗi hội viên, trách nhiệm và sự năng động của Ban chủ nhiệm CLB; Phải biết tranh thủ sự quan tâm của Công đoàn và Hội đồng CLB-VHTT Gang thép, sự giúp đỡ và cổ vũ từ các nhà máy, xí nghiệp; Thường xuyên duy trì mối liên hệ, bảo đảm các chương trình “Bảo trợ nghiệp vụ” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và mở rộng giao lưu với đồng nghiệp cả nước… Đó là “cách đi” và bản lĩnh của một CLB Nhiếp ảnh Công nhân duy nhất cả nước đang hoạt động trên khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên.