banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Năm Gà nói chuyện gà
Cập nhật lúc 11:38 ngày 29/01/2017

Năm Đinh Dậu, năm Gà xin dẫn bài Thơ ngụ ngôn của La Fontain “Gà đẻ trứng vàng” để đọc chơi trong dịp đầu xuân:

Tham thì thâm, cổ nhân dạy thế

Lấy chuyện gà ra để răn đời

Đem câu bịa đặt kể chơi

Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng

Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng

Mổ phăng ra ắt hẳn mau giàu

Nào ngờ có cóc chi đâu

Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào?

Chủ biết dại kêu gào tiếc của

Làm gương cho những đứa tham tâm

Xưa nay có kẻ hiểu lầm

Được mười lại muốn ngay trăm, ngay nghìn

Trơ ra hết nhẳn, ngồi nhìn.

Hãy xem con Gà, ngày ngày chăm chỉ bươi nhặt kiếm ăn, bỏ sức, bỏ công tự lực nuôi thân để trở thành gà mẹ, chăm đẻ, chịu nhịn ăn ấp trứng đều, liên tục để có được đàn gà con khỏe mạnh. Những con gà bươn chải, tự do bới lượm thường thịt săn chắc, thơm ngon, ai cũng chuộng, gà không bao giờ ế.


Năm nay, sách bói khuyên rằng ta hãy bắt chước con gà, làm việc gì cũng cần nên chí thú làm, lấy việc chân thật, chắc thiệt để phát triển lâu bền. Đừng làm ăn kiểu chụp giựt lăng xăng như khỉ chuyền cành, chuyền qua, chuyền lại sẽ rớt ùm xuống ao. Nếu chém chặt vô tư, bán hàng giả lừa người, hung hăng hù dọa để trấn lột, đến nổi hơn 70% du khách nước ngoài ngậm ngùi “một đi không trở lại”. Hoặc làm ăn mà cứ nghển cổ trông chờ … như “gà công nghiệp”, cứ chờ thức ăn, nước uống dâng đến tận miệng, dẫu có lớn được thành gà mẹ cũng chẳng biết ấp trứng ra con; đem bán đi thì cũng bị thiên hạ chê ỏng, chê eo vì chất lượng thịt quá kém, không ngon, không được nhiều người ưa thích. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ yêu cầu chi tiêu công đúng trọng tâm, tăng hiệu quả, nên có câu “Cho gà ăn hơn công ăn” vì cho gà ăn còn có lợi, chứ cho công ăn, công lớn, công bay vào rừng thì đúng là tiền cột cánh chim; Yêu cầu chỉ đầu tư những công trình thiết thực, không đổ của những công việc xa vời, không xuất phát từ nhu cầu thực của xã hội.

Lại nữa, gà cũng có cái dại, tuy chung mẹ, chung đàn nhưng có lúc tranh ăn cũng đá nhau chí chóe, bươu trán, rách mồng. Nên ông cha lại dặn “Khôn ngoan đấu đá người ngoài/gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Nên sách cũng dạy rằng, người nước ngoài đã gõ cửa vào nhà rồi, anh em hãy cùng liên kết, đoàn kết để tạo sức mạnh về trí tuệ, về vốn, tạo ra thương phẩm “made in Vietnam” ngon lành, chứ đừng làm như giống Khỉ bắt chước mà bắt chước cũng không nên việc, để xảy ra lắm việc dở dang, rồi mình phải làm thuê cho người lại ngay trên đất của mình thì quá tủi. Việc phá hoại nhau, chèn ép nhau, phá giá, phá đám,  tung tin vịt, làm hàng giả… hại người có lẽ từ nay nên bỏ. Nhanh chân liên kết lại kẻo không kịp với người.

Làm ăn mà khá rồi thì càng ráng mà làm, phải tỉnh táo trước lời khen – chê của thiên hạ vì to thuyền thì lớn sóng, cây cao phải hứng gió nhiều. Nghe người khen, lòng thêm sướng, gáy càng to thì càng dễ bị ganh ghét, đố kỵ; càng dể mất cảnh giác, lộ thông tin nghề nghiệp để người ta bắt chẹt, đến khi tỉnh ra thì sự nghiệp đã tan tành theo… tiếng gáy. Như con chim đa đa cũng là một giống gà, rất khôn, bình thường không ai dễ đến gần, nhưng khi nghe con chim mồi gáy lên là ghét tiếng gáy đối phương, nên hùng hổ gáy lại, quên cả người rập rình, chỉ đến khi bị tóm cổ rồi thì ôi thôi đã muộn.

Thêm nữa sách cũng nói rằng, nếu làm ăn thời vận hanh thông, nghiệp lớn ắt thành, sánh vai với đời, giao du bặt thiệp nhiều bạn nhiều bè trong nhà ngoài cõi. Nhưng trong lúc quá chén quá vui cũng phải cảnh giác cao độ, nhớ kiêng  tuyệt đối cái món  “gà có răng, gà móng đỏ”. Gà này bề ngoài ngó hấp dẫn vậy nhưng thường có vị đắng và rất độc, trót vướng vào dễ bị bệnh “hoại huyết tức mất máu nặng”, may thoát ra được và có toàn mạng cũng bị nội thương trầm trọng không dễ gì lấy lại phong độ như xưa, uổng công phí sức một đời. Càng kiên quyết không chơi món “Gà chọi”, món này dai, dễ mắc răng, gỡ không ra chỉ còn cách nhổ trụi hàm răng. Cá độ đá gà, rộng ra là cá độ đá banh, cờ bạc… những mong tưởng sẽ giáu nhanh nhưng thật sai lầm. Không ai cờ bạc mà giàu, vương vào các món này đều chắc chắn nhanh chóng làm ta trở thành “bác thằng bần”. Ông bà ta nói gà đẹp nhờ lông, người dễ trông nhờ có của, vì vậy cần phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí triệt để, đứng vung tay quá trán, dù rằng đại phú do thiên nhưng ít nhất cũng đạt tiểu phú do cần, chi tiêu có kế hoạch cũng làm ta đủ ấm no, không bị người đời khinh dể vì nghèo khổ.  

Lại nữa sách y học dạy rằng muốn ăn gà phải luôn nhớ nguy cơ “cúm gia cầm”, không phải thấy êm mà tưởng yên là mất cảnh giác; bên Nhật vừa qua đã tiêu hủy hàng triệu con gia cầm vì nhiễm cúm và gà Trung Quốc thường âm thầm nhiễm vi-rút H7N9 là loại giết người rất mạnh. Thực hiện an toàn thực phẩm là nên chọn gà có nguồn gốc để truy xuất khi cần, nấu thật chín dù thịt hay trứng và từ nay nên giả biệt món tiết canh gia cầm (gà, vịt, chim, ngỗng), không ăn trứng sống, trứng chưa nấu chín… cho an tâm gia đình, vì không ai thấy được vi-rút cúm A mà tránh cho đặng.

Chuyện gà còn nhiều chuyện dở hay để nói, nhưng xuân đã sang xin gác bút, kính chúc quý độc giả năm Đinh Dậu tậu nhà, tậu xe, tậu đất; làm ăn luôn phất, mừng cho đất nước vươn lên.

                                                                                                      Nguyễn Năm