banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 13/01/2017
Cập nhật lúc 10:34 ngày 14/01/2017

Không để xảy ra sự cố môi trường tại nhà máy Alumin Nhân Cơ là thông tin nổi bật trên các báo chiều ngày 12/1 và 13/1. Chiều 12/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông. Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo nhà máy cần quan tâm tới đời sống công nhân và không để xảy ra sự cố về môi trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Đặc biệt là phải chú ý tới sự an toàn trong khâu vận hành, khai thác và sử dụng. Quan trọng hơn hết là cần quan tâm vấn đề môi trường, không để xảy ra những sự cố làm ảnh hưởng tới tài nguyên, sức khỏe của nhân dân. 

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Phó Thủ tướng thị sát hai dự án thua lỗ nghìn tỷ tại Lào Cai; TKV sẽ hiệp thương giá bán than cho sản xuất phân bón; Philippines tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan; Bộ Tài chính bàn giao công tác quản lý sữa cho Bộ Công Thương.

Thông tin cụ thể như sau:    

                                     

1. Phó Thủ tướng thị sát hai dự án thua lỗ nghìn tỷ tại Lào Cai. Báo chí ngày 12,13/1 đưa thông tin, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết các tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp, dự án ngành Công Thương đã đi thị sát, bàn bạc các giải pháp để khắc phục khó khăn cho Công ty cổ phần DAP2 Lào Cai và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung ở trên địa bàn khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tổng thua lỗ của 2 dự án này vào khoảng 2.000 tỷ đồng, nếu không có các giải pháp kịp thời, cả 2 dự án sẽ còn tiếp tục thua lỗ dẫn đến nguy cơ phá sản.

Trong phiên làm việc giữa Phó Thủ tướng và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp DAP2 Lào Cai và Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung để tạo nguồn thu thuế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, ông Phong cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ cơ sở hạ tầng của dự án đầu tư, mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ bố trí vốn đầu tư cho dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa để tỉnh làm căn cứ ký kết hợp đồng dự án; hỗ trợ vốn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho dự án cảng hàng không Lào Cai.

2. TKV sẽ hiệp thương giá bán than cho sản xuất phân bón. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có công văn trả lời ý kiến của Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc về việc cung cấp than và giá bán than. 

Theo đề nghị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, TKV và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ tiến hành hiệp thương về giá than bán cho sản xuất phân bón, căn cứ kết quả hiệp thương giữa hai bên. Trường hợp có thay đổi về giá than và thời điểm áp dụng, TKV sẽ thống nhất với các công ty ký kết Phụ lục hợp đồng điều chỉnh để thực hiện.

3. Philippines tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Chính phủ Philippines cho biết, các nhà nhập khẩu ngũ cốc nước này đã mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam trong những tuần qua, đồng thời tìm cách tăng nguồn cung ngũ cốc sau khi một loạt cơn bão lớn đã tàn phá mùa màng trong nước trong quý cuối cùng của năm 2016. Đợt nhập khẩu gạo lần này của Philippines, gồm có 41.464 tấn từ Thái Lan và 11.580 tấn từ Việt Nam, nằm trong số 90.760 tấn mà Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) đã cấp phép nhập khẩu trước cuối năm 2016. NFA dự định sẽ cấp nhiều giấy phép nhập khẩu cho các nhà giao dịch để mua gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ trong vài tuần tới. 

4. Bộ Tài chính bàn giao công tác quản lý sữa cho Bộ Công Thương. Trên nhiều bài viết đưa tin, Bộ Tài chính đã tiến hành bàn giao các tài liệu có liên quan đến công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cho đại diện Bộ Công Thương - Vụ thị trường trong nước. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 149/N Đ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/N Đ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được chuyển giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện từ ngày 01/01/2017.

Trước đó, ngày 11/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177 quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá. Theo đó, kể từ đầu 2017 Bộ Công Thương sẽ thay thế Bộ Tài chính tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó có mặt hàng sữa.

LH (Nguồn VP Bộ CT)