banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 03/01/2017
Cập nhật lúc 03:36 ngày 04/01/2017

Câu chuyện về Sabeco xin ý kiến cổ đông miễn nhiệm ông Vũ Quang Hải là tâm điểm chú ý của dư luận trong ngày 03/1.

Theo thông tin được Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố, Hội đồng quản trị công ty đã quyết định tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2017, nhằm thông qua một loạt quyết định về nhân sự của công ty. Cụ thể, Hội đồng quản trị Sabeco sẽ xin ý kiến cổ đông để thực hiện miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Chung Chí Dũng; xin ý kiến về việc tham gia ứng cử làm thành viên Ban kiểm soát chuyên trách nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Nguyễn Văn Minh.

Liên quan đến công tác nhân sự, căn cứ đơn kiến nghị ngày 21/12/2016 của ông Vũ Quang Hải, Hội đồng này sẽ xin ý kiến Đại hội thực hiện miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Sabeco nhiệm kỳ 2013-2018 và chức danh Phó tổng giám đốc công ty đối với ông Hải. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Sabeco cũng lấy ý kiến cổ đông về việc tham gia ứng cử thành viên Hội đồng quản trị Sabeco nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Nguyễn Thành Nam, hiện là Phó tổng giám đốc Sabeco.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đặt máy chủ tại Việt Nam, cũng là thông tin đáng chú ý được nhiều báo quan tâm, đăng tải. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định như trên tại buổi góp ý dự thảo nghị định thay thế nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp ngày 30/12. Thứ trưởng cho biết vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, để lại những hậu quả về kinh tế, xã hội.

Do vậy, để tăng cường quản lý ngành kinh doanh bán hàng đa cấp, nghị định mới yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Điều này cũng tránh được tình trạng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sửa chữa số liệu khi bị kiểm tra. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản ngân hàng, không trả tiền mặt như trước đây. Các điều kiện kinh doanh này được xây dựng nhằm bảo vệ người tiêu dùng, một khi trình độ dân trí cao hơn, các hoạt động biến tướng của bán hàng đa cấp không còn, cơ quan quản lý sẽ bỏ dần các điều kiện.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Ngành Công Thương đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên Đán 2017; Hiệp hội Gas muốn duy trì Nghị định 19 về kinh doanh khí; Dệt may Việt Nam phát triển thị trường dù Mỹ có thể rút khỏi TPP; Dự báo năm 2017 xuất khẩu gạo sẽ khả quan.

Thông tin cụ thể như sau:                      

1. Ngành Công Thương đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên Đán 2017.


Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tại các địa phương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị. Hầu hết các địa phương và doanh nghiệp, lượng hàng phục vụ Tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15%, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...

Ngoài ra, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều thiệt hại của thiên tai…  

2. Hiệp hội Gas muốn duy trì Nghị định 19 về kinh doanh khí.

Thanh niên phản ánh: Hiệp hội Gas Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương kiến nghị liên quan đến việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh ngành khí hóa lỏng (LPG). Theo hiệp hội, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều về việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh LPG tại Nghị định 19 về kinh doanh khí (có hiệu lực từ giữa tháng 5/2016). Hiệp hội cho rằng việc hạ chuẩn là cần thiết song cần xét đến điều kiện hội nhập, các thương nhân cần đầu tư về hạ tầng cơ sở và nhân lực mới cũng như cần có đủ năng lực cạnh tranh tối thiểu.

Nhìn nhận nghị định này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tùy theo năng lực của mình chứ không hạn chế kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ, hiệp hội đề nghị Chính phủ giữ nguyên Nghị định 19 và tiếp tục theo dõi việc thực hiện để có tổng kết sau 3 - 5 năm nữa, khi đó nếu cần thiết sẽ có điều chỉnh. Mới đây, Bộ Công Thương đã có quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa 123 thủ tục, trong đó có nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG. Tuy vậy, nội dung gây tranh luận nhiều nhất của Nghị định 19 thời gian qua thì Bộ Công Thương vẫn chưa bày tỏ quan điểm dù từng không ít lần đối thoại với doanh nghiệp. Đó là quy định muốn phân phối gas, doanh nghiệp phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3. Nếu so với Nghị định 107 trước đây thì doanh nghiệp cấp 1 còn phải có ít nhất 300.000 vỏ và bồn chứa 800 m3, gấp 3 lần quy định như hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ vẫn cho chính sách này bảo vệ các doanh nghiệp lớn.  

3. Dệt may Việt Nam phát triển thị trường dù Mỹ có thể rút khỏi TPP.

Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Trước chuyển biến bất ngờ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ có thể sẽ rút khỏi TPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có những bước thận trọng đánh giá tình hình, chuẩn bị kỹ lưỡng để khai thác các thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp dệt may, động thái này không ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường bởi khi chưa có đàm phán TPP thì tự thân Việt Nam cũng đã có sức hút mạnh mẽ đối với làn sóng đầu tư nước ngoài vào dệt may. Việt Nam vẫn bắt mắt các nhà đầu tư là do nền kinh tế hướng mở, có nhiều hiệp định với thuế suất bằng 0% từ WTO, từ FTA. Đây sẽ là cơ hội mới để các doanh nghiệp dệt may tích cực chuẩn bị cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho hàng hóa dệt may của Việt Nam.    

4. Dự báo năm 2017 xuất khẩu gạo sẽ khả quan.

Năm 2017, thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông, Bộ Công Thương vừa dẫn báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết. Trong đó, Ấn Độ dự kiến sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dù gạo của nước này chịu sự cạnh tranh gay gắt. Xuất khẩu của Thái Lan sẽ hồi phục trong khi Việt Nam cũng được dự báo tăng nhưng ít có khả năng đạt được mức như trước đây. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD. Con số này giảm 26% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với năm 2015. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất trong vòng khoảng bảy năm qua.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)