banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 28/12
Cập nhật lúc 08:18 ngày 29/12/2016

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương là thông tin nổi bật trên các báo ra ngày 28/12. 

Thông tin Triển khai quyết định kỷ luật Bí thư Hậu Giang liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh cũng nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận. Trưa 28/12, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, sáng cùng ngày, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đến Hậu Giang công bố quyết định kỷ luật đối với Bí thư và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.

Ủy ban kiểm tra trung ương đã công bố quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Trần Công Chánh -Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời công bố quyết định cảnh cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015.

Với ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Chánh (khi giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) có phần trách nhiệm với các khuyết điểm, vi phạm trong việc đề nghị tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về làm Phó Chủ tịch UBND và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sai phạm trong việc chỉ đạo Công an tỉnh cấp biển số xe công cho xe tư nhân để ông Thanh lưu thông trái quy định.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: TS Lê Đăng Doanh: Làm nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná phải hi sinh quá nhiều!; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát 2 nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương; Chính thức bỏ quy định lập Quỹ Bình ổn giá điện; Đề xuất đầu mối quản lý nhà nước về phân bón; Thương lái, nông dân “èo uột” vì xăng tăng giá.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. TS Lê Đăng Doanh: Làm nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná phải hi sinh quá nhiều!.


Liên quan tới dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen, báo Dân trí cho biết, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học có chuyên môn trong lĩnh vực công nghiệp đã tham dự Hội thảo hẹp ngày 27/12 (không có báo chí) của Liên Hiệp Khoa học - Kỹ thuật (VUSTA). Trao đổi với Dân trí về buổi hội thảo này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho biết, dự án còn thiếu những thông số quan trọng nhất để có thể xem xét đi đến quyết định cuối cùng. Hiện tại vẫn không rõ nguồn vốn vay ở đâu, lãi suất bao nhiêu, quặng, than nhập từ đâu, năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng, thời gian giao hàng so với thép Trung Quốc có trụ được không, công nghệ của công ty nào... Ngoài ra, toàn bộ chi phí nước, điện, cảng, đường không được tính vào tổng vốn đầu tư của chủ đầu tư mà Nhà nước đứng ra làm. Một vấn đề cũng được chuyên gia nhắc tới là chi phí đào tạo lao động cũng chưa được tính đến trong đề án.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể nói đất nước cần thép thì phải xây nhà máy thép mà là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá như hiện nay có bán được không. Giờ chưa có cái nhà máy đó mà thép Trung Quốc đã ùn ùn vào rồi, vậy thì tới đây khi Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực thì thế nào, lúc đó có cạnh tranh nổi với một nước thừa hàng đống thép và xi măng như Trung Quốc không". "Tôi thấy đây là dự án phải hi sinh quá nhiều mà không biết có mang lại hiệu quả gì không. Thêm nữa, một nền kinh tế không thể phụ thuộc vào 1 sản phẩm duy nhất như Ninh Thuận phụ thuộc vào 1 nhà máy thép này thì khi nó sập ông lấy gì mà sống?...” - ông Doanh nói.  

2. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát 2 nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương.

Trên nhiều báo, đài đưa tin: Ngày 27/12, tại thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp, dự án lớn thuộc ngành Công Thương đã đi thị sát, kiểm tra thực địa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTEX) và dự án nhà máy đạm DAP 2 Hải Phòng. Đây là 2 trong số 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ, được Thường trực Chính phủ xác định và được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải xử lý trong thời gian sớm nhất nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước và của xã hội.

Tại các nhà máy này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thị sát về cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất, tình hình sản xuất kinh doanh, nghe lãnh đạo nhà máy và lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo về quá trình quyết định đầu tư, lập, thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng, hoàn thiện và vận hành của hai nhà máy, thực trạng hoạt động, tình hình tài chính, yếu kém, thua lỗ. Đoàn công tác cũng thảo luận các phương án xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt cũng như quyết định tương lai của các dự án.  

3. Chính thức bỏ quy định lập Quỹ Bình ổn giá điện.

Chiều 27/12, tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định bãi bỏ quy định lập Quỹ bình ổn giá với điện. Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng ký ban hành Nghị định 149/2016, sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định theo Luật Giá. Nghị định quy định từ ngày 1/1/2017, sẽ chỉ còn duy trì Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa. Quỹ bình ổn giá với mặt hàng điện, thóc và gạo tẻ được quy định tại Nghị định 177/2013 chính thức bị bãi bỏ.

Cũng theo Nghị định 149, từ năm 2017, giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được chuyển cho Bộ Công Thương quản lý (thay cho Bộ Tài chính đang quản lý hiện nay). Đồng thời, trường hợp giảm giá sản phẩm; các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được thực hiện ngay và gửi thông báo tới cơ quan có thẩm quyền, thay vì phải kê khai rồi mới được (giảm giá) như trước đây.    

4. Đề xuất đầu mối quản lý nhà nước về phân bón.


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp giải quyết vướng mắc trong quản lý nhà nước về phân bón. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón, phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cần thống nhất một đầu mối quản lý, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất phân công đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón, bảo đảm tính thống nhất; xin ý kiến Thành viên Chính phủ về vấn đề này khi trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.  

5. Thương lái, nông dân “èo uột” vì xăng tăng giá.

Tại ĐBSCL, giá xăng tăng cao khiến người dân, thương lái phải hy sinh một phần lợi nhuận bù vào khoản chi phí vận chuyển để bán được hàng. Tại cuộc họp về cân đối cung cầu, bảo đảm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán mới đây, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết, thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương rà soát nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để cân đối, tìm kiếm nguồn cung dự phòng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhằm không để tình trạng thiếu hàng hóa, nâng giá. 

Ngoài ra, Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, chợ để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt hàng giả, kém chất lượng và không để các đối tượng buôn bán các mặt hàng này trà trộn về các vùng nông thôn bán hàng, gây thiệt hại cho người dân. 

LH (Nguồn VP Bộ CT)