banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 26/12
Cập nhật lúc 08:02 ngày 26/12/2016

Ít nhất có hơn 10 tờ báo ra trong ngày hôm nay(26/12) đưa tin Vũ Quang Hải-con trai ông Vũ Huy Hoàng rút khỏi Hội đồng quản trị Sabeco."Sabeco đã lên sàn và cổ phiếu SAB đã trở thành một trong những cổ phiếu được săn đón nhất những ngày cuối năm. Sabeco cũng sắp có một năm lịch sử khi lãi kỷ lục, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tôi xin rút thì ít nhất cũng phải ngẩng cao đầu”, ông Vũ Quang Hải nói sau khi xin rút khỏi Sabeco.

Chiều 25/12, trao đổi với phóng viên, Chánh văn phòng Bộ Công Thương  Trần Hữu Linh xác nhận thông tin ông Vũ Quang Hải, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đã có đơn xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT Sabeco.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đã giao đại diện phần vốn nhà nước và giới thiệu tham gia HĐQT đối với ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Sabeco.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, Bộ Công Thương đã xem xét, chỉ đạo Bộ phận quản lý vốn nhà nước có ý kiến với Hội đồng quản trị và Đại hội cổ đông về việc giải quyết đơn của ông Vũ Quang Hải theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của Sabeco. Bộ Công Thương đang tích cực triển khai thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác cán bộ của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, trong đó có việc điều động ông Vũ Quang Hải từ Bộ Công Thương về nhận công tác tại Sabeco.

Kỷ lục ấn tượng về số doanh nghiệp thành lập mới trong một năm vừa chính thức được xác lập khi lần đầu tiên vào năm 2016, Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng được báo chí đưa khá nhiều trong những ngày gần đây.

Nhận xét về kỷ lục này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói: Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy sức sống của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Sự sống động và sức sống của môi trường kinh doanh Việt Nam không chỉ ở con số kỷ lục về doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay, mà còn ở tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thủy điện Thượng Kon Tum “khổ” vì nhà thầu Trung Quốc; Kinh doanh lao dốc, Vinacomin vẫn công bố chia thưởng cho lãnh đạo; Bộ Công Thương kéo dài thời gian kiểm tra thép mạ kẽm của Trung Quốc; Hà Tĩnh kiến nghị tiếp tục tạm dừng Dự án Sắt Thạch Khê; Tôn mạ màu của Việt Nam bị Indonesia kiện bán phá giá.

Thông tin cụ thể như sau:                                                            

1. Thủy điện Thượng Kon Tum “khổ” vì nhà thầu Trung Quốc. 


Dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum, do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) làm chủ đầu tư, trong đó có các nhà thầu Trung Quốc gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18.

Báo cáo cho biết, trong quá trình thực hiện thi công dự án, do tình hình tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy chậm trễ nghiêm trọng và thái độ thiếu thiện chí hợp tác của nhà thầu Trung Quốc, Công ty VSH đã có nghị quyết chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này và ra thông báo chấm dứt hợp đồng.Toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng cũng đã được VSH thu hồi.

Ngày 23/8/2014, nhà thầu Trung Quốc đã gửi đơn kiện VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng. VSH cũng đã có hồ sơ tự bảo vệ và đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng. Do tính phức tạp của vụ kiện nên công tác hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị chứng cứ và bổ sung các tài liệu pháp lý cần đảm bảo đầy đủ và cẩn trọng. Cơ quan xây dựng báo cáo nhận định, việc xử lý vụ kiện về chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thời gian tranh tụng bị lùi lại có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án.

2. Kinh doanh lao dốc, Vinacomin vẫn công bố chia thưởng cho lãnh đạo. 

Dân trí đưa tin, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa công bố việc phân phối tiền thưởng cho các lãnh đạo trong tập đoàn với mức thưởng phổ biến hơn 40 triệu đồng/người trong năm 2015. Mặc dù vậy, năm 2015, tập đoàn bị giảm lãi tới 80% và bước sang 2016, tiếp tục báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 73,7 tỷ đồng. Theo đó, tổng số tiền thưởng được chi trong năm 2015 là 555,3 triệu đồng và chia cho 16 cán bộ quản lý của tập đoàn. Người được nhiều nhất là ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn với xấp xỉ 47 triệu đồng; mức phổ biến là 41,76 triệu đồng. 

Trong năm 2015, kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinacomin không mấy sáng sủa. Doanh thu giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2014, lợi nhuận kế toán trước thuế giảm tới 70,2% còn 838,66 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới gần 80% còn 427,8 tỷ đồng. Cập nhật về tình hình sản xuất kinh doanh mới nhất của Vinacomin cho thấy, 9 tháng đầu năm 2016, tập đoàn đã ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 73,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ thuần 4,5 tỷ đồng). Nhờ có khoản lợi nhuận khác 116,5 tỷ đồng nên trong kỳ, Vinacomin báo lãi 42,8 tỷ đồng (trước thuế), giảm 27% so với cùng kỳ. Trong khi đó, áp lực chi phí lãi vay của Vinacomin rất nặng nề, mỗi ngày phải trả tới hơn 7,5 tỷ đồng../.

3. Bộ Công Thương kéo dài thời gian kiểm tra thép mạ kẽm của Trung Quốc. 

Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 4993/QĐ-BCT gia hạn thời gian điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam thêm 2 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc.Việc gia hạn thời gian đưa ra quyết định cuối cùng này, theo Bộ Công Thương, nhằm mục đích có thêm thời gian để cơ quan điều tra cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan trong vụ việc.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ nhằm ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu tràn lan từ bên ngoài vào, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thép mạ xuất khẩu của Việt Nam cũng đang bị các nước như Úc, Mỹ tiến hành điều tra vì nghi ngờ đây là sản phẩm gia công từ thép mạTrung Quốc.

4. Hà Tĩnh kiến nghị tiếp tục tạm dừng Dự án Sắt Thạch Khê. 

Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa phát đi thông báo kết luận những vấn đề liên quan đến Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, trong đó thông tin đáng chú ý nhất là kiến nghị Trung ương chưa cho phép khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê vì còn quá nhiều bất cập, tồn tại chưa được giải quyết.Đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng mới đây cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê và cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê.

Theo bản kết luận nêu trên, khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ sau khi khởi công (tháng 9/2009) dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết. Trước đó, vào chiều 16/12, tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiên Dũng với lãnh đạo cốt cán tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thẳng thắn nói: nhà đầu tư nêu thế này, thế kia, nhưng rút cuộc vẫn là đào quặng để bán. Người đứng đầu Tỉnh ủy Hà Tĩnh tái khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh từ trước tới nay là Hà Tĩnh nhất quyết không cho xuất quặng thô, mà nhà đầu tư phải xây dựng nhà máy, phải tinh luyện thép để xuất bán ra thị trường.

5. Tôn mạ màu của Việt Nam bị Indonesia kiện bán phá giá. 

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Giữ vai trò nguyên đơn là PT NS BlueScope Indonesia, và giai đoạn điều tra được tính từ tháng 7-2015 đến tháng 6/2016.

Theo cáo buộc của KADI, tổng lượng nhập khẩu tôn mạ màu vào Indonesia trong giai đoạn điều tra ước khoảng 224.120 tấn, trong đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm gần 87,5%, tương ứng xấp xỉ 196.200 tấn. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, việc Indonesia khởi xướng điều tra chống bán bán giá sản phẩm tôn mạ màu xuất khẩu từ VN cũng không loại trừ khả năng “trả đũa” vì tháng 7-2016, Bộ Công Thương cũng đã điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với tất cả các sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam. Đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh vẫn chưa điều tra xong và tiếp tục gia hạn điều tra thêm hai tháng để “cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan trong vụ việc nói trên”.

LH (Nguồn VP Bộ CT)