banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Góp phần gìn giữ mái ấm gia đình cho người lao động.
Cập nhật lúc 03:57 ngày 04/01/2014
Chỉ trong mấy tháng, Nữ công và Công đoàn ở một đơn vị nguyên liệu mỏ của công ty liên tục phải tiếp tới mấy trường hợp đến trình bày xin xác nhận để ly hôn, mặc dù họ đều ở độ tuổi trên dưới 30, đã có với nhau từ 1 đến 2 con, cả hai vợ chồng đều có việc làm ổn định và thu nhập khá,v.v…

Đó là thực tế một thời ở mỏ than Phấn Mễ thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ngày ấy, cả mỏ có gần 300 nữ CNVC-LĐ, các hộ gia đình trẻ phần lớn ở xen kẽ trong khu tập thể. Việc xin ly hôn không những ảnh hưởng trực tiếp hạnh phúc gia đình, học hành của các cháu, mà còn ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm công nhân mỏ và công tác trật tự an ninh khu tập thể, ảnh hưởng đến sản xuất,v.v...

Với chức năng của Công đoàn cơ sở, Ban nữ công ở đây đã bình tĩnh dành thời gian ngoài giờ làm việc, buổi tối tới gặp riêng từng gia đình tìm hiểu và được biết nguyên nhân chủ yếu của các cặp vợ chồng “cơm chưa lành, canh chưa ngọt” kia xuất phát từ cách sống, nếp sinh hoạt, trong đó có phần các đoàn thể, chính quyền chưa quan tâm chăm lo cuộc sống tập thể công nhân mỏ. Một trong những nguyên nhân tạo ra “vết nứt” trong hạnh phúc mỗi gia đình còn do phía chị em chưa chú ý trong sinh hoạt, cách thức ăn ở và sự giao tiếp ứng xử… làm cho phía nam giới so sánh, liên hệ với bên ngoài xã hội theo cách “giầu vì bạn, sang vì vợ”, lâu dần mối quan hệ vợ chồng như có một thứ axít vô hình nào đó…“ăn mòn”.

Sau khi “bắt được bệnh”, Nữ công Công đoàn mỏ đã “thủ thỉ tâm tình”, tìm cách khơi dậy tình yêu thương vợ chồng và trách nhiệm con cái; đặc biệt là Nữ công đã tổ chức các nhóm “bạn tâm giao” cùng trao đổi hướng dẫn nhau những việc rất cụ thể, tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại có tác dụng quan trọng nhằm thực hiện bốn chữ “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của người phụ nữ thời kỳ đổi mới: Tế nhị hơn trong đường ăn nết ở và sinh hoạt; khéo léo hơn trong lời nói và mối quan hệ vợ chồng, làng xóm theo cách “…lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; tư vấn giúp nhau cách làm đẹp cho mình, cho gia đình và chồng con; cách nuôi dạy con khoẻ, ngoan; cách hiểu và thực hiện tốt hơn thiên chức “làm vợ, làm mẹ, làm con dâu”… Ngoài ra, Nữ công và Công đoàn còn kiến nghị với lãnh đạo các cấp cùng “vào cuộc”, tạo điều kiện để chị em có thời gian làm chủ công việc gia đình, khuyến khích chị em xây dựng “khu tập thể văn minh, gia đình hạnh phúc”, tổ chức hướng dẫn chị em làm kinh tế phụ gia đình và tạo sân chơi lành mạnh để chị em sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hoá,v.v…
 

Hội thi Văn hoá ẩm thực “Bữa ăn ca tự chọn cho người lao động”

Sau một thời gian công phu triển khai những việc rất cụ thể và thiết thực, không những Công đoàn mỏ than Phấn Mễ đã giúp cho các cặp vợ chồng trở về đoàn tụ, mà từ đây đã trở thành “mô hình” được Ban nữ công Công đoàn công ty Gang thép Thái Nguyên có thêm cơ sở và phương pháp tập hợp chị em ở cấp công ty. Bắt đầu từ việc vận động chị em đảm nhận thêm công trình, việc làm ngoài giờ để góp tiền may áo dài đồng phục. Công đoàn cùng chính quyền mua lắp thiết bị, bố trí phòng và mời chuyên gia hướng dẫn chị em tập thẩm mỹ, rồi thành lập điểm “Câu lạc bộ Nữ CNVC-LĐ” ở cấp công ty, ban đầu sinh hoạt mỗi tháng 1 kỳ, sau tăng lên 2 kỳ vào ngày 8 và 20 hằng tháng vừa để chị em dễ bố trí thời gian tham gia và dễ nhớ các ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ (8-3), thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10).

Bằng những nội dung được chọn lọc, lồng ghép, từng bước cải tiến, đổi mới theo chủ đề, chủ điểm phù hợp với sở trường, sở thích và thu hút chị em thông qua các hình thức “sân khấu hoá” hoặc tổ chức cuộc thi nhằm truyền tải nội dung nhận thức cần trang bị như: Văn hoá ẩm thực, văn hoá ứng xử, nghệ thuật trang điểm và cắm hoa, thi thắt ca vát nhanh và đẹp, thi hát dân ca và biểu diễn Erobic, thi đấu thể thao, mời diễn giả nói chuyện về sức khoẻ sinh sản, nuôi dạy con, chăm sóc người cao tuổi, gắn với chuyên đề “nghệ thuật làm vợ, làm mẹ, làm con dâu”, thi tìm hiểu Pháp luật và đời sống; Tổ chức cho chị em đi du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử... vừa động viên và tạo điều kiện để chị em chủ động nâng cao kiến thức, tự lý giải những băn khoăn trong cuộc sống, vừa cổ vũ chị em tham gia “vui mà học”, coi đây là những đợt “tập huấn mở” theo chủ đề đối với đông đảo chị em và CNVC-LĐ trong công ty.

Liên hoan cắm hoa nghệ thuật “Gang thép 50 mùa hoa”

Với cách tổ chức nhẹ nhàng, sâu sắc và thiết thực, đến nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên có hàng trăm chị em tham gia 13 câu lạc bộ mang tên “Nữ CNVC-LĐ” và “Gia đình văn hoá” do các ban nữ công Công đoàn từ công ty đến cơ sở quản lý, thường xuyên được các cấp lãnh đạo chăm lo chu đáo với suy nghĩ rất vui là “chỉ có được trở lên”. Đó là tình cảm, trách nhiệm “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”; là nguyện vọng chính đáng vì mục tiêu “Chăm lo công tác hậu phương của người lao động” và cổ vũ phong trào “Làm đẹp cho mình, cho gia đình và chồng con” của nữ CNVC-LĐ Gang thép Thái Nguyên nhiều năm nay.


Bài và ảnh: Đào Thành Lạng