banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Nhìn lại năm 2016: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 08:30 ngày 14/12/2016

Có thể nói, năm 2016 là một năm sôi động của hệ thống công đoàn Việt Nam, với nhiều hoạt động thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng thiết thực của người lao động.

Những hành động cụ thể

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn lần thứ XI, nhất là trong năm 2016, đội ngũ cán bộ công đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, hoạt động sáng tạo, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn. Trong hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn đã phát huy trí tuệ, tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Nhiều ý kiến từ công đoàn được ban soạn thảo tiếp thu, góp phần bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt, năm qua, tổ chức Công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc tham gia cải cách chính sách tiền lương. Kiên trì bảo vệ quan điểm trong các diễn đàn Quốc hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Tinh thần đấu tranh quyết liệt, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sau ba năm thực hiện, đã góp phần giúp tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 13,5% mỗi năm, đạt 87% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình.


  

 

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. 

Hoạt động chăm lo đời sống đoàn viên và NLĐ đã có chuyển biến mạnh về chất với mục tiêu hướng tới những hoạt động thiết thực và hiệu quả vì NLĐ. Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng LĐLĐ đã chỉ đạo công đoàn các cấp có nhiều hoạt động chăm lo tới từng công nhân, lao động (CNLĐ). Đặc biệt, từ thành công của chương trình “Tết sum vầy 2015”, năm 2016, năm đầu Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo nhân rộng việc tổ chức “Tết sum vầy” ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo một chiến dịch rộng khắp, chăm lo thiết thực cho công nhân với phương châm không để đoàn viên, NLĐ nào không có Tết. Chương trình nhanh chóng được tổ chức bài bản, quy mô, có sức lan tỏa lớn, trở thành hoạt động tiêu biểu thể hiện vai trò trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong hoạt động chăm lo thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. “Tháng Công nhân” hằng năm được tổ chức ngày càng thực chất, hiệu quả với phương châm “quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”. Nhờ những hành động thiết thực, cụ thể, gắn chặt quyền lợi của NLĐ mà CNLĐ ngày càng biết tới tổ chức công đoàn. Họ đã tìm đến, tự nguyện gia nhập và gắn bó với tổ chức công đoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018”.

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm tràn lan tại các bếp ăn tập thể, nhất là tại các DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), nơi tập trung nhiều NLĐ, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”. Đây là lần đầu Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết về một vấn đề cụ thể, được thực hiện bằng biện pháp thương lượng, đối thoại và bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể nhằm nâng dần chất lượng bữa ăn ca, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người lao động, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Đến nay, đã có 58 trong số 82 LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư ban hành văn bản triển khai thực hiện. Sau khi có đề xuất của công đoàn cơ sở, nhiều doanh nghiệp đã nâng mức ăn giữa ca lên hơn 15.000 đồng/bữa, chú trọng và có trách nhiệm hơn trong việc phối hợp với tổ chức công đoàn kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng bữa ăn ca của NLĐ.

Cùng với việc chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, các cấp công đoàn đã tổ chức, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, NLĐ mà trọng tâm là các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2016, kết thúc nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết công đoàn XI, có hơn 1,4 triệu sáng kiến được công nhận, làm lợi hơn 9.400 tỷ đồng. Phong trào thi đua liên kết “Xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu bảo đảm chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ” đã góp phần hoàn thành trước tiến độ một năm, làm lợi cho Nhà nước 5.000 tỷ đồng…

Những dấu ấn rõ nét

Năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng hai đề án lớn “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay” và “Xây dựng thiết chế công đoàn trong các KCX-KCN”. Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn dự kiến được thực hiện trong 10 năm (2016-2025), với mục tiêu giữ vững đoàn viên, không ngừng phát triển số lượng đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế bằng chất lượng hoạt động để tổ chức công đoàn luôn là tổ chức đại diện cho đoàn viên, NLĐ, dẫn dắt phong trào quần chúng lao động phát triển kinh tế-xã hội. Tổng LĐLĐ cũng đang nỗ lực xây dựng bộ nhận diện về tổ chức của mình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, CNLĐ, nhất là tạo nên sự khác biệt mà từ trước đến nay chưa có về quyền lợi của đoàn viên công đoàn Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam tháng 7-2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ nhu cầu của CNLĐ tại các KCX-KCN và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hoàn thiện đề án theo quy định, báo cáo Thủ tướng trong quý III - 2016. Theo đó, 50 thiết chế văn hóa - thể thao, nhà ở, nhà trẻ, siêu thị sẽ được triển khai ở 15 địa phương trọng điểm, tập trung đông KCX-KCN. Đây là tiền đề quan trọng, động lực để đội ngũ cán bộ công đoàn quyết tâm chăm lo thiết thực, sát sườn quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ. Điều NLĐ náo nức phấn khởi mong chờ nhất đó là trong tương lai không xa, ước mơ được sở hữu một căn nhà 30-40 m2 với giá chỉ khoảng 100 triệu đồng tại các khu chung cư có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu: nhà trẻ, siêu thị, trạm y tế, khu vui chơi, giải trí... là có thật.

Cùng với đó Tổng LĐLĐ đã cùng chín đối tác ký kết thỏa thuận hợp tác về việc chăm lo cho đoàn viên và NLĐ. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cam kết cung cấp những tiện ích về dịch vụ ngân hàng, phát hành thẻ đoàn viên điện tử tích hợp nhiều tiện ích như trả lương, rút tiền, thanh toán, thu, nộp đoàn phí; cấp tín dụng ưu đãi xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCX - KCN. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cam kết giảm giá 10% cho đoàn viên công đoàn khi mua sản phẩm tại các đại lý, cửa hàng, siêu thị thuộc tập đoàn trên toàn quốc. Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Công ty cổ phần viễn thông FPT cam kết bán các sản phẩm cho đoàn viên, công đoàn cơ sở phục vụ các bếp ăn công nhân với giá thấp hơn 5% so với giá thị trường. Hiệp hội du lịch công đoàn giảm giá 10% - 15% cho đoàn viên khi sử dụng dịch vụ lưu trú (phòng nghỉ) của các DN thuộc Hiệp hội. Ngoài ra, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Công ty CP đầu tư và phát triển Nguyễn Kim, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Liên hiệp các hợp tác xã thương mại Saigon Co.op cũng cam kết có nhiều ưu đãi cho đoàn viên. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, ngành chủ động tìm kiếm, ký kết với các đối tác nhằm đem lại nhiều ưu đãi trực tiếp khác cho đoàn viên, NLĐ trên địa bàn để mọi hoạt động chăm lo thật sự đến với từng đoàn viên, NLĐ chứ không chỉ trên giấy, ở sự hô hào.

Nỗ lực khắc phục những yếu kém, bất cập

Năm 2016, tổ chức công đoàn Việt Nam đã có được những thành công đáng kể với những con số ấn tượng. Tuy nhiên, còn những hạn chế, yếu kém cần nỗ lực khắc phục. Đó là tỷ lệ phát triển đoàn viên trong CNLĐ tại các DN ngoài nhà nước so với chỉ tiêu đề ra mới đạt 75-80%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của NLĐ khi họ chưa được đứng trong tổ chức công đoàn. Chất lượng cán bộ, hoạt động công đoàn một số nơi, nhất là công đoàn cơ sở còn thiếu, yếu, là rào cản, hạn chế lớn trong đấu tranh, bảo vệ thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật, khiến hiệu quả hoạt động của công đoàn chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, phương thức hoạt động công đoàn chưa đổi mới mạnh mẽ; chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn các cấp còn thấp, chưa bài bản, chưa sát tình hình thực tế. Nguyên nhân khách quan là do cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, chưa coi việc xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi công nhân và của toàn xã hội. Chủ sử dụng lao động vẫn đang tập trung tìm kiếm lợi nhuận mà chưa quan tâm thực chất đời sống của NLĐ.

Năm 2017 được coi là năm bản lề thực hiện Nghị quyết công đoàn Việt Nam lần thứ XI, là năm bắt đầu tiến hành Đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ VII, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh giáo dục đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ); ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm xây dựng các điển hình cá nhân, tập thể lao động giỏi, lao động sáng tạo, lập thành tích chào mừng Đại hội công đoàn các cấp. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn, chăm lo thiết thực đời sống NLĐ. Tổ chức tốt Tháng công nhân 2017, gắn chặt hoạt động công đoàn với lợi ích đoàn viên trong đồng hành, tham mưu cho DN thực hiện, tuân thủ luật pháp về: Bảo hiểm xã hội, tiền lương, thưởng, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, tôn vinh lao động giỏi. Đổi mới, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên để tổ chức công đoàn đạt mục tiêu phát triển 10 triệu đoàn viên công đoàn vào năm 2018.

Có thể nói, năm 2016 được coi như giai đoạn chuyển giao tốt đẹp, mở thêm trang mới mang tính đột phá, đánh dấu bước trưởng thành của tổ chức công đoàn Việt Nam trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên của công đoàn phù hợp tình hình mới.

Đặng Thanh Hà (Báo Nhân dân)