banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 13/12
Cập nhật lúc 05:14 ngày 13/12/2016

Báo chí trong ngày đăng tải nhiều thông tin liên quan đến dự án thép Cà Ná xung quanh buổi trao đổi với báo chí về các nội dung trong quy hoạch ngành thép vào chiều ngày 12/12 của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài. Các nội dung bài viết đưa thông tin, khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương: Dự án thép ở Cà Ná cũng không có gì đặc biệt hơn bất cứ dự án nào khác, không hề vượt khung và được làm theo quy định hiện hành bởi Chính phủ không thể vượt quyền Quốc hội.

Báo chí nhấn mạnh ý kiến của ông Trương Thanh Hoài “Bẻ cây nhỏ để cây lớn phát triển”, đó là lý do trong quy hoạch ngành thép gần như đã cắt hết các dự án nhỏ, công suất dưới 500.000 tấn. “Chúng tôi muốn ở Việt Nam chỉ có 3-4 doanh nghiệp thép thôi, không thể trăm hoa đua nở như trước đây bởi doanh nghiệp nhỏ không có hệ thống bán hàng, không chịu được chi phí quảng cáo”.

Đưa tin về việc rút tên Hoa Sen ra khỏi dự án thép Cà Ná, báo chí nhấn mạnh: Đại diện Bộ Công Thương cho biết việc này nhằm đảm bảo nếu chủ đầu tư thực hiện dự án một thời gian mà không đủ năng lực thì sẽ rút và doanh nghiệp khác vào thay thế sẽ thuận lợi hơn.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ trưởng Công Thương bãi bỏ loạt thủ tục cản trở doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị cho phiên họp thứ 5 của UBTVQH; Việt Nam thành kho nhôm của thế giới?; Chỉ phá sản khi không thể bàn giao Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho SBIC.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                

1. Bộ trưởng Công Thương bãi bỏ loạt thủ tục cản trở doanh nghiệp. 


Báo chí đưa tin, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ năm 2017. Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với 17 lĩnh vực.Đáng chú ý, trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương quyết định bãi bỏ bản chính hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Thông tư số44/2010/TT-BCT.

Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá: Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá: Bỏ điều kiện về phương tiện vận tải quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP…; Đối với lĩnh vực thương mại quốc tế, để đơn giản hóa các trường hợp phải xin cấp giấy phép. Bộ có quyết định: doanh nghiệp FDI không phải làm thủ tục xin quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu…; Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục trong các lĩnh vực khác như: Lĩnh vực kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu; Lĩnh vực Công nghiệp nặng…

2. Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị cho phiên họp thứ 5 của UBTVQH. 

Chuẩn bị cho Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) (từ ngày 19 – 22/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình, báo cáo. Cụ thể, Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Ngoại, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Công Thương. 

Các Bộ trưởng sẽ chuẩn bị Tờ trình theo từng nhiệm vụ phân công của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH ngày 24/10/2015 của UBTVQH về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

3. Việt Nam thành kho nhôm của thế giới?. 

Theo Hãng Global Trade Information Services (GTIS), Việt Nam là đích đến của 91% sản lượng nhôm đùn (để sản xuất nhôm) xuất khẩu của Mexico trong năm nay - tuyến đường giao thương hiếm của nhôm những năm gần đây. Theo phản ánh của báo Tuổi trẻ, phóng viên báo này đã tìm hiểu thêm về kho nhôm khổng lồ được canh phòng cẩn thận tại một nhà máy ở Vũng Tàu. Số hàng lớn bất thường này thu hút sự chú ý của giới kinh doanh và chuyên gia trong ngành công nghiệp nhôm. Một số quan ngại về tác động của nó đến thị trường toàn cầu và giá nhôm.

Ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận lượng nhôm được gửi ở kho ngoại quan nói trên là của Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam, đóng tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành. Theo ông Danh, số nhôm nói trên là phôi, là nguyên liệu. Khi nào doanh nghiệp làm thủ tục nhập thì hải quan mới kiểm tra. Hiện tại hải quan chỉ giám sát, biết số lượng hàng gửi là bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp tái xuất, hải quan cũng giám sát chặt để không cho hàng vào mà không làm thủ tục nhập khẩu. Đến thời điểm này, Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam chưa xuất lô hàng nào ra nước ngoài và rất có thể số nhôm đưa về Việt Nam hiện đang gửi ở kho ngoại quan để chờ làm nguyên liệu cho việc sản xuất nhôm.

4. Chỉ phá sản khi không thể bàn giao Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho SBIC. 


Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý tồn tại của Công ty TNHH Một thành viên tàu thuỷ Dung Quất (DQS) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), trước đây DQS là doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam Vinashin nay là SBIC. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị, Thủ tướng cho phép nghiên cứu thực hiện phương án chuyển giao nguyên trạng DQS từ PVN về SBIC theo hình thức tăng giảm vốn giữa 2 doanh nghiệp Nhà nước. Giao PVN phối hợp với SBIC đề xuất phương án cụ thể, bao gồm phương thức chuyển giao, giải pháp xử lý tài chính, cơ chế chính sách đặc thù…

Về phương án cho phá sản nhà máy, Bộ Công Thương cho rằng, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

LH (Nguồn VP Bộ CT)