banner2019
 
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 30/11
Cập nhật lúc 07:00 ngày 30/11/2016

Trên các báo ra ngày 30/11 tập trung đưa tin về những nội dung đáng chú ý tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 diễn ra chiều qua (29/11). Một số nhóm vấn đề được báo chí quan tâm, phản ánh:

Vinastas được T&Q Ogilvy tài trợ khảo sát nước mắm: Thông tin tại họp báo, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, kết quả khảo sát nước mắm công bố hồi tháng trước bởi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) được khẳng định không tin cậy và minh bạch do không xây dựng đề án và kế hoạch khảo sát rõ ràng, việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Hội và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu khảo sát không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát...


Báo Dân trí nhấn mạnh: Đáng lưu ý, người phát ngôn Chính phủ chỉ ra rằng, khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định. Tuy nhiên, T&A Ogilvy chỉ là một công ty truyền thông và thông tin từ buổi họp báo không tiết lộ về việc có hay không doanh nghiệp nào đứng đằng sau T&A Ogilvy.

Chưa chốt ngày dừng bán xăng A92: Trả lời tại họp báo, Thứ trưởng Hoàng Quốc khẳng định: “Chưa có quyết định cuối cùng vào thời điểm nào toàn bộ xăng A92 sẽ được thay thế, nên thông tin thay thế bằng xăng E5 vào tháng 6/2017 là chưa chính xác và hiện khó có thể thay thế vì chưa thể sản xuất quy mô lớn.

Thông tin đáng chú ý khác đăng trên Dân trí 30/11 “Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ công nhân tố cán bộ “bòn” tiền tỉ” thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Bài viết phản ánh: Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã chính thức vào cuộc điều tra vụ hàng loạt công nhân Công ty than Hà Lầm (Quảng Ninh) tố cán bộ “bòn” tiền tỉ thông qua việc gửi lương cho công nhân. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Than Hà Lầm cũng xác nhận, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với các công nhân đứng ra tố cáo.

Cụ thể, theo tố cáo của các công nhân, hàng tháng Công ty cổ phần than Hà Lầm gửi một phần tiền từ 3-10 triệu đồng thông qua tài khoản chi trả lương của công nhân. Số tiền này được Công ty Than Hà Lầm gửi dưới danh mục như: thưởng đã lĩnh hoặc lương thưởng của các lãnh đạo (khoản tiền thêm ngoài tiền lương, thưởng hàng tháng của công nhân).

Theo tố cáo của các công nhân, số tiền đó trên danh nghĩa là gửi cho họ nhưng thực tế, sau khi họ rút ra sẽ phải nộp lại phần lớn cho các tổ trưởng của các công trường. Các công nhân được hưởng khoảng 30 - 40% số tiền này nhưng đều phải ký nhận là đã lĩnh đủ 100%.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Phát hiện 16 doanh nghiệp đa cấp hết hạn giấy phép gần 2 năm; Năm 2020, 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu “Gạo Việt Nam”; Tạm giữ gần 6 tấn kẹo hết hạn dùng.

Thông tin cụ thể như sau:                                                        

1. Phát hiện 16 doanh nghiệp đa cấp hết hạn giấy phép gần 2 năm. Danh sách do Sở Công Thương Hà Nội công bố. Các doanh nghiệp này đã hết hạn giấy phép từ tháng 1/2015 nhưng chưa thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động.

Trước thực trạng này, Sở Công Thương TP Hà Nội đề nghị các tổ chức, cá nhân phối hợp kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của 16 doanh nghiệp đa cấp, nếu phát hiện các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bán hàng đa cấp sẽ đề nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

 Theo quy định của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp ngừng hoạt động có nghĩa vụ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng và đề nghị rút tiền ký quỹ. Đồng thời giải quyết nghĩa vụ với người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

2. Năm 2020, 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu “Gạo Việt Nam”. Theo Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra, mục tiêu đến năm 2020 là giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu.

​Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia.

Đến năm 2030, ngành lúa gạo Việt Nam phấn đấu đạt một nửa lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam". 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

3. Tạm giữ gần 6 tấn kẹo hết hạn dùng. Ngày 29-11, Đội QLTT Củ Chi kiểm tra một điểm sản xuất, kinh doanh bánh kẹo tại nhà không số ở đường 20, ấp Trung, xã Tân Thông Hội và phát hiện gần 6 tấn thành phẩm kẹo hết hạn sử dụng, gần 2,7 tấn nguyên liệu chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, nguyên liệu được chứa kế nhà vệ sinh, gần chuồng ngỗng, thành phẩm tháo dở dang để trên sàn nhà dơ bẩn, không bảo đảm vệ sinh. Chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ. Đội QLTT Củ Chi đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ phương tiện, số kẹo hết hạn sử dụng và nguyên liệu nêu trên để xử lý. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)